Địa phương kêu Bộ Y tế 'ôm' quá nhiều việc

Duy Tính
Duy Tính
03/05/2019 04:51 GMT+7

Trong số những việc Bộ Y tế đang “ôm”, nhiều ý kiến cho rằng hoàn toàn có thể phân cấp cho địa phương để tránh trì trệ, tốn kém.

Ngày 2.5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khảo sát tình hình thực hiện luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) trên địa bàn, sau 8 năm thực hiện (từ ngày 1.1.2011 - 31.12.2018).

Tăng thủ tục hành chính, kéo dài thời gian chờ đợi…

Tại buổi khảo sát, các đại biểu đề nghị cần đưa vào luật KCB quy định việc hành hung BS là chống người thi hành công vụ; quy định cụ thể về người nuôi bệnh; quy định về cấp CCHN cho dược sĩ lâm sàng, kỹ sư sinh học… làm việc tại BV và đào tạo liên tục cho người đã được cấp CCHN; cho phép BS được hành nghề mọi nơi trên đất nước VN với mọi thời gian; tính đúng tính đủ viện phí trong bối cảnh BV tự chủ; quy định về tai biến y khoa, bồi thường tai biến, bảo hiểm trách nhiệm…
Tại buổi khảo sát, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đề nghị sửa đổi, bổ sung 22 điều trong luật KCB hiện hành. Trong đó, đáng lưu ý, theo đại diện Sở Y tế, căn cứ vào luật quy định thì Bộ Y tế đang "ôm" quá nhiều việc, trong đó có những việc rất… dễ.
Ông Thượng lấy ví dụ, với 1 kỹ thuật mới, các đơn vị muốn làm thì phải gửi ra để Bộ vào thẩm định là quá bất cập, trong khi TP không thiếu giáo sư đầu ngành thẩm định. Ngay việc cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) trên địa bàn cho một số đối tượng, cấp phép quảng cáo cũng gửi ra Bộ, làm tăng thủ tục hành chính, kéo dài thời gian chờ đợi.
“Việc áp dụng một số kỹ thuật mới tại bệnh viện (BV) gặp rất nhiều khó khăn. Như trong sản khoa có kỹ thuật có thể áp dụng ngay mà nếu không làm thì bệnh nhân ra nước ngoài. Như kỹ thuật điều trị truyền máu song thai, có thể làm 30 - 45 phút cứu sống song thai. Nhưng muốn làm kỹ thuật này thì thủ tục khó khăn, vướng thêm luật đấu thầu mua máy móc, trang thiết bị, thuốc kéo dài… Nên rất đau lòng khi thấy song thai tử vong khi vừa đặt chân đến nước ngoài. Có thể thay đổi để triển khai kỹ thuật mới và mua sắm trang thiết bị tinh gọn hơn cho ngành y tế”, bác sĩ (BS) Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM), kiến nghị.
Đại diện một BV cũng thẳng thắn cho rằng: “Nếu một kỹ thuật mới mà ở TP.HCM có BV đi đầu về kỹ thuật này thì nên giao cho TP đánh giá, thẩm định, Bộ Y tế đừng có “ôm đồm”, nhằm giảm thời gian, giảm công việc Bộ Y tế đang ôm”.

Bức xúc tình trạng bác sĩ Trung Quốc vi phạm

Cũng theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, lâu nay người nước ngoài (chủ yếu là BS Trung Quốc) hoạt động KCB tại VN có những sai phạm, bị Sở Y tế TP phạt hành chính, đóng cửa. Tuy nhiên, hết thời hạn đóng cửa thì phòng khám (PK) hoạt động lại, Sở không thể rút CCHN của người nước ngoài, vì chứng chỉ này do Bộ Y tế cấp.
Còn theo đại diện BV Đại học Y Dược TP.HCM, hiện nay gần như không ai đánh giá, giám sát năng lực chuyên môn của BS Trung Quốc; không ai giám sát phác đồ, việc lạm dụng thuốc của họ, dẫn đến gây thiệt hại cho người bệnh về kinh tế, sức khỏe, tính mạng.
BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi cũng bức xúc tình trạng gần đây có nhiều tai biến sản khoa đe dọa nghiêm trọng tính mạng người dân liên quan đến BS ở PK tư nhân, BS Trung Quốc. Các PK tư phá thai khi thai đã lớn; có trường hợp phá thai làm ruột thai phụ lòi ra ngoài, nếu không đến BV kịp thì sẽ tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc.
Theo BS Nhi, vừa qua Sở Y tế tập huấn, đào tạo về sản khoa cho BS Trung Quốc. Qua tập huấn thực tế cho thấy, các BS này còn phải học nhiều vì họ chưa nắm được căn bản. Qua các hồ sơ ở các PK có BS Trung Quốc gửi đến, gồm kết quả siêu âm, toa thuốc… thì thấy rõ ràng họ không có khả năng về lĩnh vực sản phụ khoa. Phác đồ triều trị không phù hợp với chẩn đoán, sử dụng nhiều thứ thuốc không phù hợp, lạm dụng kháng sinh dẫn đến một ca bệnh có chi phí từ 30 - 50 triệu đồng không đáng có.
“Thông qua đào tạo cho thấy trình độ của BS Trung Quốc hành nghề ở VN rất quan ngại, vì thế tai biến sản khoa xảy ra ở các PK này thời gian qua là dễ hiểu”, BS Nhi nói và cho rằng nhiều đồng nghiệp đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm với các BS Trung Quốc hành nghề sai phạm, không phép; cần có quy định nghiêm khắc trong luật KCB (sửa đổi, bổ sung). Nên chăng giao quyền cho y tế địa phương vừa thẩm định PK, cấp CCHN và giám sát những PK này thay cho Bộ.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể về tiêu chuẩn người phiên dịch cho BS Trung Quốc hành nghề tại VN. Thực tế hiện nay xảy ra tình trạng phiên dịch không hiểu và diễn đạt đúng, đủ ý của BS với người bệnh, gây ra nhiều hệ lụy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.