Dịch hạch thể phổi

16/08/2009 23:19 GMT+7

Dịch hạch thể phổi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vừa xuất hiện ở Trung Quốc. Bệnh lây qua đường hô hấp.

Diễn biến đột ngột

Theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế, nguồn chứa vi khuẩn gây bệnh dịch hạch chủ yếu trên chuột. Từ cuối năm 2006 đến nay, giám sát tại VN chưa ghi nhận ổ dịch lưu hành. Tuy nhiên, không loại trừ nguy cơ chuột nhiễm bệnh vào VN qua các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Dịch ở người gồm các thể: dịch hạch thể hạch; thể nhiễm khuẩn huyết; thể phổi; thể màng não. Trong đó, dịch hạch thể hạch chiếm đa số (hơn 90%), nó có thể tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết, dịch hạch thể phổi hoặc viêm màng não. Còn dịch hạch thể phổi rất nguy hiểm vì bệnh có thể lây trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và bùng phát thành dịch lớn.

Dịch hạch thể hạch phát bệnh hết sức đột ngột: người ớn lạnh, mệt mỏi đau cơ, đau bụng, buồn nôn, đau đầu. Tiếp đó, bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn, viêm hạch (hạch có thể to bằng ngón tay cái thậm chí bằng quả trứng gà). Lúc đầu, hạch đau, cứng, sau đó, mềm có mủ. Nếu không được điều trị sớm, bệnh rất dễ diễn biến nhiễm khuẩn tối cấp. Bệnh nhân sốt cao 40-41độ C, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, tụt huyết áp, mạch nhanh, vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê. Bệnh nhân có thể tử trong vòng 3-5 ngày.

Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, dịch hạch thể phổi là thể nặng nhất và nguy hiểm nhất. Bệnh nhân có thêm các triệu chứng như, ho ra máu, đau ngực, khó thở... Thông thường, thể này là diễn biến thứ phát của dịch hạch thể hạch, do vi khuẩn vào máu, đến phổi gây viêm phổi. Bệnh nhân mắc dịch hạch thể phổi có thể làm lây truyền từ người này sang người khác qua các giọt nước bọt có chứa vi khuẩn qua ho, hắt hơi.     

Cảnh giác với chuột và bọ chét

Tác nhân gây bệnh dịch hạch là vi khuẩn Yersinia Pestis, lưu hành trong quần thể gặm nhấm và bọ chét ký sinh trên chúng, từ đó lây truyền sang các loài động vật khác và sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn. TS Nguyễn Trần Hiển lưu ý: "Các loài gặm nhấm, quan trọng là các loài chuột sống gần người, đứng đầu là chuột đồng và chuột cống, là vật chủ rất quan trọng trong việc duy trì và lưu hành bệnh dịch hạch. Trung gian truyền bệnh dịch hạch là bọ chét sống ký sinh trên chuột". Bệnh có thể lây sang người qua bọ chét đốt, qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của động vật bị bệnh, qua hít phải giọt không khí có chứa vi khuẩn từ người hay động vật mắc dịch hạch thể phổi.

Theo TS Hiển, vắc-xin phòng bệnh dịch hạch được sử dụng ở một số nước hiện nay nhưng không thực sự hiệu quả, vì vậy không nên sử dụng như một biện pháp chống dịch khi dịch đang xảy ra. Chỉ nên sử dụng cho nhóm người có nguy cơ cao, như nhân viên phòng xét nghiệm hay người thường xuyên đi vào vùng dịch. Vắc-xin chỉ dự phòng được bệnh dịch hạch thể hạch.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.