Điều phục cơn giận

16/02/2008 19:42 GMT+7

Ai cũng có lúc tức giận, sau đó thấy sai, tự hứa lần sau sẽ không lên cơn điên ngắn nữa. Nhưng rồi người ta lại lên cơn... Vì sao vậy?

Tức giận được xem như cơn điên ngắn. Lúc giận, mặt ta xấu xí, tim ta đập nhanh, ngực tức, khó thở... Sau cơn giận là cơn mệt, cả thể xác và tinh thần. Trong cơn giận ta dễ nói những lời gây đổ vỡ, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay; có người, vì tức giận đã tìm đến cái chết. Vì vậy, hậu quả của cơn giận có thể kéo dài, thậm chí năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa.

Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, tức giận như cơn bão, nó làm lay động, ngã đổ nhiều thứ. Vì vậy, ta phải trang bị cho mình biện pháp cần thiết để có thể đứng vững khi cơn bão tức giận ập đến. Đó là phương pháp thở bụng. Mỗi khi có dấu hiệu "bão" đến thì lập tức đừng suy nghĩ đến những hình ảnh, âm thanh... đã gây ra cơn giận, mà trở về ngay với hơi thở, đưa suy nghĩ của mình từ trên đầu xuống bụng, rồi xuống huyệt đan điền (dưới rốn một chút). Tiếp đó thở thật sâu, thật chậm, thở vào bụng phồng lên, thở ra bụng xẹp xuống, và chỉ để ý đến sự phồng, xẹp của bụng. Trong cơn bão, ngọn cây nghiêng ngả và dễ bị bẻ gãy, còn gốc cây vững chãi hơn nhờ bộ rễ bám sâu vào lòng đất. Vì thế, khi cơn bão tức giận ập đến mà để suy nghĩ nằm ở khối óc (xem như ngọn cây) thì rất nguy hiểm, phải đưa ngay suy nghĩ về huyệt đan điền (xem như gốc cây), bám chặt "gốc cây" và cố thủ ở đó. Trời đất là vô thường, cơn tức giận cũng vậy, nó đến rồi nó sẽ đi. Sau 5-10 phút thở bụng, cơn tức giận dần lắng xuống và ta thoát được thời khắc nguy hiểm.

Hạt giống tức giận có trong mỗi người, nó có thể được ông bà, cha mẹ trao truyền lại hoặc nảy sinh do tác động của đời sống. Ở những người nóng tính, cái khối năng lượng tức giận rất lớn, nó nằm thường trực trong thân tâm, chỉ chờ có cơ hội là bùng phát. Để điều phục cơn giận, phải tìm cách chuyển hóa cái khối năng lượng tiêu cực ấy. Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên rằng, đừng để cơn tức giận ập đến rồi mới áp dụng thở bụng, mà phải luyện tập trước, nếu không khi đó ta sẽ quên và âbị cuốn theo cơn bão tức giận. Mỗi ngày nên dành 10-20 phút tập thở bụng, khi tập phải dồn hết tâm ý vào hơi thở, vào sự phồng, xẹp của bụng, tuyệt đối không nghĩ chuyện khác.

Tập ít nhất 21 ngày, ta sẽ có thói quen điều phục cơn giận bằng thở bụng, đồng thời chuyển hóa dần cái khối năng lượng "Trương Phi" tiềm ẩn trong thân tâm ta. Có thể nằm buông thư rồi tập, nhưng tốt nhất là ngồi tập trong tư thế hoa sen vững chãi. Phương pháp thở bụng nêu trên có thể giúp đối trị cả tâm trạng tuyệt vọng, buồn đau... Nên nhớ, phải kiên trì tập mới đem lại kết quả. Để íhiểu thêm về cơn điên ngắn, bạn có thể đọc cuốn Giận của Thích Nhất Hạnh.

Xuân Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.