Điều trị khe hở môi - vòm miệng

17/08/2016 09:15 GMT+7

Khe hở môi - vòm miệng không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến phát triển về thể chất, ngôn ngữ.

 Điều trị toàn diện - bắt đầu từ giai đoạn tiền phẫu thuật để lấy lại vẻ bình thường cũng như phục hồi được các chức năng.
Bỏ sót khi tầm soát
Bế trên tay bé gái Bích H., 8 tháng tuổi (nhà ở Hà Nội), bố của bé cho hay khi mang thai bé, người mẹ có đi siêu âm tầm soát theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, nhưng các bác sĩ không phát hiện được thai có dị tật vùng mặt. “Có thể khi trong bụng mẹ, bé nằm nghiêng bên phải nên che khuất, siêu âm không thấy khe hở chéo mặt”, bố của bé chia sẻ. “Sau sinh, mặc dù có lúng túng ban đầu bởi bé bú khó và dễ trào sữa, dễ sặc nhưng nhờ tư vấn của các bác sĩ, gia đình chăm sóc bé thuận lợi hơn, dinh dưỡng được bảo đảm và bé đủ sức khỏe để phẫu thuật khi 8 tháng tuổi”, người bố cho hay.
Theo bác sĩ CK2 Vũ Mạnh Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư Hà Nội, thì tùy thuộc vùng miền, tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật khe hở môi - vòm miệng là 1/750 - 1/1.500. Thời điểm tầm soát phát hiện dị tật thường ở tháng thứ tư của thai kỳ, có thể bằng xét nghiệm, siêu âm. Nhưng trong một số tình huống, dị tật có thể không được phát hiện sớm khi trong bào thai. Hiện tại, với kinh nghiệm và điều kiện thiết bị tốt, các bé bị khe hở môi - vòm miệng đã được điều trị toàn diện, phục hồi đầy đủ các chức năng vùng miệng (phát âm, tiêu hóa) và tính thẩm mỹ rất cao.
Các nguyên nhân gây dị tật thai nhi có thể do các yếu tố về dinh dưỡng, hóa chất độc hại, vật lý, sinh học (nhiễm vi rút trong 3 tháng đầu thai kỳ).
Chăm sóc trước phẫu thuật
GS-TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư Hà Nội, cho biết trẻ bị khe hở môi - vòm miệng sẽ được phẫu thuật đóng kín. Sau phẫu thuật, các bé được điều trị ngữ âm, giúp phát âm chuẩn. Khi vào lớp 1, bắt đầu thay răng sữa, những bé bị khe hở môi - vòm miệng thường bị răng mọc lệch lạc, các bác sĩ sẽ tiếp tục tư vấn, điều trị nắn chỉnh răng, giúp bé có hàm răng đều đặn, tự tin trong giao tiếp. “Một số trường hợp sau phẫu thuật nắn chỉnh răng khuôn mặt vẫn bị biến dạng, sẽ tiếp tục được phẫu thuật chỉnh hình xương hàm mặt khi trưởng thành để giúp gương mặt đẹp, cân đối”, GS Hải cho biết thêm.
Đặc biệt, trong quá trình chờ phẫu thuật đóng kín khe hở, cung hàm sẽ phát triển nhô ra, khiến khe hở vòm miệng ngày càng rộng. Vì vậy, chăm sóc giai đoạn tiền phẫu thuật ngay từ khi trẻ mới sinh để hỗ trợ các bé ăn uống; bé được đeo khí cụ chỉnh hình giúp cung hàm không bị biến dạng quá mức, nhờ đó phẫu thuật đóng cung hàm được thuận lợi và cho kết quả tốt nhất.
Việc chỉ định mổ đóng khe hở môi - vòm miệng đúng thời điểm là yếu tố quan trọng giúp tái tạo hình thái giải phẫu. Trẻ sơ sinh bị khe hở môi - vòm miệng cần chờ đủ điều kiện về sức khỏe: phẫu thuật khe hở môi khi bé đạt cân nặng từ 6 kg; phẫu thuật khe hở vòm miệng khi bé được 10 kg. Nếu phẫu thuật muộn, các chức năng sẽ khó hồi phục.
Tóm lại, với kế hoạch điều trị toàn diện (tiền phẫu thuật; phẫu thuật tạo hình đóng kín khe hở môi, khe hở vòm miệng; điều trị rối loạn phát âm để các cháu có giọng nói bình thường; điều trị nắn chỉnh răng để mang lại hàm răng đẹp; điều trị chỉnh hình xương với các cháu có biến dạng khuôn mặt), các bé sẽ được phục hồi hoàn toàn cả về giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.