Điều trị sỏi đường tiết niệu trên bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

10/02/2006 14:45 GMT+7

Trong vài chục năm gần đây, cùng với sự tiến bộ trong các lĩnh vực chẩn đoán bằng X-quang, siêu âm và nội soi thì phương pháp điều trị sỏi đường tiết niệu trên thế giới cũng như Việt Nam cũng có những thay đổi đáng kể. Các phương pháp phẫu thuật kinh điển dần được thay bằng các phương pháp điều trị hiện đại, ít sang chấn, mang lại hiệu quả cao và rút ngắn ngày phải nằm viện cho người bệnh.

Những phương pháp điều trị hiện đại đã được áp dụng hiệu quả có thể kể như tán sỏi ngoài cơ thể, lấy sỏi thận qua da, lấy sỏi qua ống soi niệu quản... Sự phát triển của các phương pháp này thực sự là một cuộc cách mạng trong ngành tiết niệu nói chung cũng như điều trị sỏi tiết niệu nói riêng.

Tán sỏi ngoài cơ thể là một phương pháp ít gây sang chấn được áp dụng khá rộng rãi trong những năm gần đây nhằm làm tan sỏi từ xa mà không phải can thiệp phẫu thuật. Dựa trên nguyên lý sóng xung động tập trung vào một tiêu điểm (viên sỏi) với một áp lực cao làm vỡ hoặc làm vụn sỏi thành bụi nhỏ sau đó bài tiết ra ngoài theo đường tự nhiên. Hiện nay đã có 3 thế hệ với rất nhiều loại máy tán sỏi ngoài cơ thể ra đời của nhiều nước khác nhau trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Trung Quốc,…

Phương pháp này được áp dụng với các loại sỏi như sỏi đài bể thận hoặc niệu quản trên với đường kính của viên sỏi nhỏ hơn 2cm. Tuy nhiên một số tác giả cũng áp dụng cho một số viên sỏi có kích thước lớn hơn, nhưng thường với sỏi có kích thước lớn hơn 3 cm thì ít kết quả và thường phải tán nhiều lần.

Điều kiện để tiến hành tán sỏi bằng phương pháp này là sỏi chưa gây biến chứng nhiễm khuẩn niệu, đường tiểu dưới phải thông không bị hẹp hay dị dạng, người bệnh không mắc các bệnh về đông máu hay bệnh lý tim mạch kèm theo.

Ưu điểm của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể là không cần phải gây mê, chỉ cần tiền mê nhẹ hoặc giảm đau thông thường. Người bệnh có thể ngoại trú hoặc nằm viện theo dõi 1-2 ngày. Nếu sỏi chưa vỡ hết có thể tán lại 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 2-3 tuần.

Sau khi tán sỏi xong, bệnh nhân cần uống nhiều nước trong vài ngày để những mảnh sỏi nhỏ có thể bài tiết theo đường tiểu ra ngoài.

Các trường hợp sau đây không áp dụng phương pháp này:
 
- Sỏi có đường kính quá lớn, sỏi cystin, sỏi uric quá rắn hoặc sỏi bùn.

- Sỏi gây biến chứng nhiễm khuẩn đường tiểu hoặc ở những bệnh nhân có đường tiểu dị dạng hay hẹp.

- Sỏi ở những bệnh lý thận có sẵn như u thận, lao thận, xơ cứng cổ bàng quang...

- Bệnh nhân có rối loạn về tim mạch, nhất là bị loạn nhịp tim, bệnh rối loạn đông máu thì không nên áp dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể.

Ngoài nhưng ưu điểm trên, phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể cũng có thể gây một số biến chứng như: nhiễm khuẩn, tắc nghẽn sỏi trên đường tiểu, tụ máu thận hay chảy máu nhẹ.

BS Bạch Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.