Đột quỵ do nắng nóng cũng nguy hiểm như đột quỵ tim hay não

22/02/2019 00:20 GMT+7

TP.HCM và các tỉnh Nam bộ đang trong những ngày nắng nóng gay gắt, nền nhiệt độ cao. Bác sĩ cảnh báo, đột quỵ do nhiệt rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: Đối với cơ thể người, nhiệt độ thích nghi nhất là khoảng 25°C.
Trong khoảng từ 20°C - 30°C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là do có trung tâm điều nhiệt nằm trên não. Trung tâm này có chức năng giúp chúng ta thích nghi được với bất kì nhiệt độ nào.
Tuy nhiên, đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá cơ thể sẽ không thể điều chỉnh kịp do vượt quá khả năng hoạt động của trung tâm này.
“Khả năng điều chỉnh với sự thay đổi nhiệt độ cũng kém ở trẻ nhỏ (nhỏ hơn 4 tuổi), hoặc người già (lớn hơn 70 tuổi) hoặc người có nhiều bệnh lý đi kèm”, bác sĩ Hậu cho biết.
Do đó, tùy theo mức độ tiếp xúc với thời tiết nắng nóng ra sao, nhiệt độ môi trường xung quanh như thế nào, thời gian bao lâu, công việc nặng nhọc hay không… mà cơ thể có thể bị ảnh hưởng của nhiệt độ.
Trong đó, nguy hiểm nhất là đột quỵ do nhiệt (hay còn gọi là sốc nhiệt).
“Đột quỵ do nhiệt là loại bệnh có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não”, bác sĩ Hậu cảnh báo.
Theo bác sĩ Hậu sốc nhiệt có nguyên nhân do cơ thể bị mất muối và nước kéo dài kèm theo sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt.
Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ làm tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận đặc biệt là hệ thần kinh.
Nhiệt độ cơ thể nạn nhân có thể lên đến trên 400C, có kèm các triệu chứng thần kinh (đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật thậm chí hôn mê …).
Bác sĩ khuyến cáo, khi thấy triệu chứng của đột quỵ do nhiệt thì phải sơ cứu tạm thời bằng cách:
Cho người bị nạn nằm đầu thấp.
Di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao.
Làm giảm nhiệt cho nạn nhân như dùng quạt hay ngâm người bị nạn trong nước mát vài phút; dùng gạc có thấm nước lạnh hay nước đá đặt ở các vùng trên cơ thể có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn… để hấp thu nhiệt nhanh, giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn.
Đồng thời gọi điện thoại cho bộ phận cấp cứu để chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.