Đừng hủy hoại chính mình bằng steroids

30/07/2005 15:52 GMT+7

Những năm gần đây, các nhà dinh dưỡng học ở Hoa Kỳ lên tiếng báo động về xu hướng lạm dụng thuốc anabolic steroids - một dẫn chất hormone sinh dục nam - trong giới nữ sinh trung học tại nước này. "Bí quyết" dùng steroids nhằm giảm cân, tiêu lượng mỡ thừa và cho một mục đích tế nhị khác đã du nhập vào một bộ phận các bạn trẻ ở nước ta.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - giảng viên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, tuy việc sử dụng loại "thần dược làm đẹp" này chưa phổ biến đến mức đáng báo động tại Việt Nam nhưng hậu quả của việc truyền tai giữa các bạn trẻ về nó sẽ rất nguy hiểm và khó lường. Ông cho biết, do thiếu hiểu biết, các cô gái trẻ có thể phải trả giá đắt cho việc sử dụng thuốc sai mục đích.

Hải My, 16 tuổi, nghe lời mách của người chị họ Việt kiều Mỹ tên Susie, đã uống thử anabolic steroids trong 4 tuần. Lấy cơ thể săn chắc của mình làm bằng chứng, Susie thuyết phục My uống steroids là phương cách nhanh chóng và hiệu quả để  "hóa giải" nỗi mặc cảm về lượng mỡ thừa trong giai đoạn dậy thì. Kết quả sau tuần đầu tiên dùng thuốc, My cảm thấy cô nhanh nhẹn hẳn lên mà không cần phải ăn kiêng hay tập thể dục. Uống thuốc thêm hai tuần nữa, My đã sụt gần 3 kg, thân hình cô trông có vẻ cứng cáp hơn. Nhìn trong gương, cô thấy lớp mỡ quanh vùng eo và hông đã giảm đi đáng kể. Vài ngày sau, khi bà chị họ về Mỹ, My đã uống hết chỗ thuốc được cho, hy vọng từ nay cô có thể tự tin mặc những chiếc quần jeans bó sát và áo ống hở rốn mà không sợ bạn bè châm chọc "bán cho 2 lạng thịt mỡ". 

Nhưng kể từ ngày ngưng dùng thuốc, My bắt đầu có triệu chứng cáu gắt, trầm cảm. Đôi khi, cô cảm thấy đau buốt toàn thân. My không hề biết đến những tác dụng phụ của steroids. Cô thấy chán ăn. Giờ không cần phải uống thuốc mà trọng lượng của My cũng sụt đi nhanh chóng. My không hề biết steroids có khả năng gây nghiện. Buổi tối, My rất khó ngủ. Sáng ra, cô không thể nuốt nổi bữa ăn vì cảm giác buồn nôn. Do nhận thấy những biến đổi bất thường về tâm lý và sức khỏe ở con gái, mẹ My đã dẫn cô đến gặp bác sĩ. Kết quả xét nghiệm cho biết cô bị nhiễm độc gan.

Quyên, 18 tuổi, là một trường hợp khác của việc lạm dụng steroids. Trong một lần tình cờ chat trên yahoo, Quyên nhận lời khuyên của một lesbian (đồng tính nữ) rằng nên uống loại biệt dược này để có ngoại hình giống con trai. Đúng như mong muốn thầm kín bấy lâu, Quyên ước mơ có ngoại hình trông thật "cơ bắp". Cô quyết định mua từ người bạn gặp trên mạng 2 bịch thuốc, mỗi bịch giá 350.000 đồng. Không nhãn mác, không có thông tin về nhà sản xuất, 2 bịch thuốc Quyên mua đựng chừng 200 viên thuốc màu hồng hình ngũ giác. Theo một người am hiểu thị trường thuốc chợ đen, loại thuốc Quyên mua, loại trừ trường hợp thuốc giả, có thể là Thai anabolic steroids loại 5 mg, được sản xuất tại Thái Lan. 

"Người bạn" bảo Quyên có thể uống mỗi ngày từ 4-10 viên.  Ban đầu, do sợ "sốc" thuốc nên Quyên chỉ uống 4-6 viên. Dần dần, do muốn có kết quả nhanh chóng, cô gái đã "nốc" đều đặn 10 viên mỗi ngày. Chỉ trong thời gian ngắn, Quyên có cảm giác mình biến đổi thành con người khác. Giọng cô khàn hẳn đi, ngực thu nhỏ lại. Dù trên lưng bắt đầu nổi mẩn đỏ, Quyên cũng không quan tâm. Quyên tiếp tục mua thêm thuốc và lén lút giấu người nhà, uống liên tục trong 6 tháng. Người thân của Quyên hoảng sợ vì càng ngày cô càng tỏ ra cộc cằn với hàng ria mép lún phún xuất hiện trên mặt. Quyên bị chị gái phát hiện lúc đang uống thuốc. Lúc này, cô mới thú nhận đã dùng "thần dược" vì không muốn có kinh nguyệt như những cô gái bình thường khác. Theo các bác sĩ, nếu không ngưng uống steroids kịp thời, cô gái có thể mất đi mạng sống của mình vì chứng cao huyết áp và những tổn thương nặng ở gan. 

Việc lạm dụng thuốc nhằm đảo ngược những quy trình hoạt động tự nhiên của cơ thể tất yếu sẽ có những ảnh hưởng nguy hại về sức khỏe, lẫn tinh thần đối với người dùng thuốc. Theo thạc sĩ Võ Văn Nam - giảng viên khoa Tâm lý Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, những người như My và Quyên mắc chứng "lệch lạc tâm lý" ở những góc độ khác nhau. My cực đoan trong quan niệm thẩm mỹ và dại dột đánh đổi một cuộc sống khỏe mạnh để đạt được vẻ bề ngoài mơ ước bằng một biện pháp tiêu cực. Quyên xuất phát từ động cơ về giới tính và tìm đến thuốc trong cơn vùng vẫy với những khao khát đi ngược với quy luật của tạo hóa. Rất đáng tiếc, họ tự đánh mất chính mình vì không biết chấp nhận những giá trị vốn có của bản thân. 

Quỳnh Như

“Thuốc steroids phổ biến trên thị trường hiện này có tên Durabolin (dược chất là nandrolone). Việc các bạn nữ sử dụng anabolic steroids để giảm cân (giảm mỡ và tăng khối lượng cơ chứ không giảm cân như một số thuốc giảm cân khác) là rất nguy hiểm. Bởi vì, thuốc này là dẫn chất hormone sinh dục nam có tác dụng tăng đồng hóa chất đạm dùng trong điều trị suy nhược cho người già hoặc người sau bệnh nặng. Nếu sử dụng thuốc sai mục đích có nguy cơ gây nam hóa ở người nữ với các hiện tượng như rậm lông, mọc ria mép, làm trầm giọng nói, gây vô kinh. Ngoài ra, thuốc này nếu sử dụng dài ngày sẽ dẫn đến những tổn hại nghiêm trọng lên gan và tim mạch (nếu đang có nguy cơ mắc các bệnh này). Thông thường, anabolic steroids được dùng để phục hồi sức khỏe của các bệnh nhân theo chỉ định của các bác sĩ, vì thuốc có khả năng tăng làm tăng đồng hóa, giúp cơ thể tiêu thụ tốt chất đạm từ thức ăn, tạo cơ tốt hơn trong cơ thể. Người sử dụng thuốc cảm thấy tăng khối lượng cơ, tăng lực nên trong thể thao có nhiều trường hợp các vận động viên sử dụng thuốc này như một loại doping để nâng cao thành tích thi đấu”. (TS Nguyễn Hữu Đức - Giảng viên khoa Dược - Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh)

“Tôi từng tư vấn cho một người đồng tính nữ. Bạn ấy nói rằng mong muốn lớn nhất của mình là trở thành một người cao lớn để có thể "che chở" cho "người yêu". Tôi đã khuyên bạn ấy rằng không có cách nào để giải quyết vấn đề đó thấu đáo được. Dù sao, trường hợp này cũng đáng thương hơn là đáng trách. Còn đối với những bạn trẻ đua đòi dùng thuốc theo phương pháp "thử - sai", tôi cho rằng họ là nạn nhân của "dư luận nhóm" không lành mạnh. Những hành động tuyên truyền sử dụng thuốc kích thích cần phải bị lên án vì chúng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng giống nòi của chúng ta”. (TS Huỳnh Văn Sơn- tư vấn viên chuyên mục Alô! Chúng tôi nghe của Đài Phát thanh TP Hồ Chí Minh, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục Đại học Sư phạm TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.