Gãy xương do té nhẹ ở người già

27/10/2010 08:43 GMT+7

Cụ T.T.M., 84 tuổi, nhập viện do trượt chân té đập mông xuống đất. Sau cú té nhẹ, cụ đau vùng háng, đi lại khó khăn. Kết quả chụp X-quang cho biết cụ bị gãy ngành ngồi mu bên phải và được cho về nhà nằm nghỉ ngơi.

Sau bốn tuần cụ vẫn đau bên háng phải, đồng thời háng trái ngày càng đau nhiều hơn. Cụ không thể đi lại được, phải nằm trên giường. Cơn đau bớt đi nhưng cụ phải ngồi xe lăn. Rất may mắn cụ được người nhà chăm sóc tốt nên không bị loét.

Một năm sau, cụ đi khám tại khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) thì phát hiện gãy cổ xương đùi bên phải, được các bác sĩ tại khoa chấn thương chỉnh hình thay khớp háng lưỡng cực. Sau một tuần, cụ đã đi lại được với nạng và xuất viện.

Không may mắn như cụ M., bác L.L.H., 57 tuổi, bị loãng xương nên chỉ sau một cú té nhẹ đập mông xuống nền nhà đã gãy cổ xương đùi, sau bảy tháng nằm trên giường bác bị loét vùng xương cùng cụt.

Khi người nhà đưa vào viện thì không thể thay khớp ngay để tự đi lại mà bác H. phải trải qua cuộc phẫu thuật xoay vạt da mông để che ổ loét đã trơ xương cùng cụt. Mất thời gian rất lâu mới có thể tiến hành phẫu thuật thay khớp cho bác H. vì phải chờ ổ loét lành hẳn, nếu không nguy cơ nhiễm trùng sau thay khớp sẽ rất cao.

Một trong những vấn đề quan trọng về chấn thương chỉnh hình ở người già là nguy cơ gãy cổ xương đùi sau té nhẹ đập mông xuống đất. Những trường hợp chúng tôi hay gặp là: bệnh nhân khoảng 60 tuổi trở lên, có bệnh lý đi kèm như tiểu đường, cao huyết áp, đi vào nhà tắm bị trượt chân té, đập mông xuống đất.

Cú té nhẹ nhưng làm bệnh nhân không thể đi, đứng. Người nhà thường chủ quan bệnh nhân bị bong gân nên chỉ xoa bóp thuốc. Khi đưa vào bệnh viện và chụp X-quang, lúc đó bệnh nhân được bác sĩ thông báo gãy cổ xương đùi và phải mổ.

Bệnh nhân càng lớn tuổi nguy cơ gãy vùng cổ xương đùi càng cao vì vùng này xương bị loãng, các thớ xương chịu lực bị mất đi. Cổ xương đùi lại phải chịu lực xé do trọng lượng đè xuống và phản lực từ dưới dội lên nên dễ gãy. Mặt khác, chỏm xương đùi có lượng máu nuôi khá nghèo nàn. Các mạch máu này đi theo cổ xương đùi lên nuôi chỏm nên khi gãy cổ xương đùi dẫn đến bị tổn thương, nguy cơ thiếu máu nuôi chỏm xương càng cao khiến tình trạng hoại tử của chỏm xương đùi rất lớn.

Một khi chỏm xương đùi hoại tử thì muốn đi lại được người bệnh phải thay khớp háng. Nhưng nếu bệnh nhân không được chăm sóc tốt, phát hiện trễ, nguy cơ loét do nằm lâu thường xảy ra.

Để tránh té ngã

Dựa vào các tình huống hay gặp, các bác sĩ khuyên những gia đình có người già nên:

* Làm tay vịn dọc theo tường trong nhà tắm vì đây là nơi người già hay té ngã nhất do trượt chân trên nền gạch ướt.

* Có ghế nhựa cao để người già ngồi tắm hay thay quần, vì có những trường hợp co một chân lên mặc quần, chân bên kia trụ không vững làm té ngã.

* Ban đêm nên có bô đi tiểu tại giường cho người già vì mắt kém, có khi không dám bật đèn sợ ảnh hưởng giấc ngủ con cháu nên hay bị vấp té.

* Trong nhà nên đi dép có độ ma sát lớn, tránh các dép có đế bằng da hay cao su trơn láng dễ bị trượt chân.

* Dù sau mổ thay khớp háng và đi lại được cũng nên chủ động điều trị loãng xương để tránh nguy cơ gãy xương bên còn lại hay các xương khác như cột sống, đầu dưới xương quay.

Nếu đã té ngã thì nên vào bệnh viện để được khám và chẩn đoán xem có gãy cổ xương đùi hay không, khi đó bác sĩ sẽ có phương thức điều trị thích hợp.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.