Chiều nay (17.4), Giáo sư - bác sĩ Trần Đông A, Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), công bố bệnh viện đã ghép gan thành công cho bệnh nhi 10 tuổi, với gan ghép được cho từ người mẹ.
Bé Dương Gia Khiêm (10 tuổi, ngụ Bạc Liêu) được mẹ là chị Phạm Thị Tiên (40 tuổi) cho gan.
Bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh và đã được phẫu thuật Kasai (là một phẫu thuật giúp điều trị tạm thời bệnh teo đường mật, sau đó, bệnh nhân đều cần phải ghép gan - PV) từ khi 2 tháng tuổi.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 - bác sĩ phẫu thuật Kasai cho bé khi đó rất giỏi vì đã mở đường dẫn lưu mật thành công cho bé. Bé không bị xơ gan nên lúc trước chưa cần phải ghép gan.
Tuy nhiên, gần đây, do biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, gan và lá lách của bé phình to ra, bé liên tục bị xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện. Lần gần nhất bé bị xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh. Chính vì thế, các bác sĩ hội chẩn đánh giá bé cần được ghép gan sớm.
tin liên quan
Lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện ca đổi chéo thận ghép'Sau cuộc ghép thận này, hai gia đình trở thành người nhà. Chị Huề mang trong người quả thận của ba tôi. Còn tôi được ghép thận của mẹ chị Huề. Chúng tôi vô cùng biết ơn ba mẹ, các bác sĩ đã một lần nữa cho chúng tôi nguồn sống', chị Lê Thị Ánh Hồng tâm sự.
Ca mổ ghép gan được thực hiện trong 12 giờ. Các bác sĩ đã lấy một nửa gan (phía bên trái) của mẹ ghép cho bé.
Theo bác sĩ Đông A, ca mổ khó khăn vì: Mẹ của bệnh nhi cũng có bất thường cấu trúc mạch máu của gan. Về phía bệnh nhi thì có lách to khủng khiếp. Lá lách giữ lại các tiểu cầu giúp đông máu nên khó cầm máu trong phẫu thuật và bác sĩ không thể truyền nhiều máu (tiểu cầu) vì có thể gây bít tắt.
Cuối cùng, ca mổ đã được thực hiện thành công.
Mẹ bé có thể xuất viện 10 ngày sau ca mổ.
|
Bé Khiêm hiện đã ổn định sức khỏe, phục hồi tốt, có thể ăn uống, chơi đùa bình thường. Tuy nhiên, bé vẫn được ở phòng cách ly vô trùng. Dự kiến, tuần tới bé có thể xuất viện.
Đây là ca ghép gan thứ 11 được thực hiện thành công tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) kể từ năm 2005, khi ghép gan được triển khai thực hiện tại bệnh viện.
Bác sĩ Đông A cho biết, 10 ca trước các bé đến nay vẫn sống khỏe, phát triển bình thường, có bé đã học đến lớp 8. Về phần người cho gan của các ca ghép cũng có sức khỏe tốt, có mẹ sau khi cho gan đã sinh thêm em bé nữa.
Được biết, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện có khoảng 200 trường hợp các bé cần ghép gan. Dự kiến, có 2 trường hợp nữa được Bệnh viện Nhi đồng 2 lên chương trình ghép vào cuối năm nay.
tin liên quan
Lần đầu tiên Việt Nam ghép phổi thành công từ người cho đang còn sống'Bệnh nhân sau ghép phổi có thể sống đến năm 70 - 80 tuổi', GS Oto Takahiro, Bệnh viện ĐH Okayama Nhật Bản nói tại buổi họp báo công bố thông tin ca ghép phổi từ 'người cho sống' đầu tiên tại Việt Nam, ngày 22.2.
Bình luận (0)