Giảm giá nhiều dịch vụ y tế

Liên Châu
Liên Châu
16/07/2018 07:52 GMT+7

Từ 15.7, nhiều dịch vụ y tế được điều chỉnh giá, sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và cả các bệnh viện.

PGS-TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết giá dịch vụ y tế quy định tại Thông tư 37 (có hiệu lực thực hiện đến trước ngày 15.7.2018), mức giá bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản.

Tuy nhiên, sau thời gian hơn hai năm thực hiện, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN đã khảo sát, tính toán chi phí thực tế và thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá của một số dịch vụ, tập trung vào các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT(có hiệu lực từ 15.7.2018) thay thế Thông tư 37.
Dịch vụ sử dụng nhiều cần giảm giá
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế): Có 88 giá dịch vụ y tế được điều chỉnh, trong đó đáng chú ý là giảm giá 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh, bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh, bình quân giảm 6% và 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%. Điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5% và 2 dịch vụ xét nghiệm.
Phân hạng bệnh viện
Hiện cả nước có 5 BV được xếp hạng BV đặc biệt: BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt Đức, BV T.Ư Huế, BV Chợ Rẫy, BV T.Ư Quân đội 108. Các BV hạng 1 hầu hết là BV thuộc Bộ Y tế, một số BV thuộc các bộ ngành quản lý, một số BV tuyến tỉnh, TP, một số BV tư nhân… BV hạng 2, 3 thường thuộc tuyến tỉnh, thành phố, quận, huyện...
Việc xếp hạng BV được căn cứ trên rất nhiều tiêu chí về: quy mô giường bệnh, điều kiện về trình độ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật… (như có hạng 1 thuộc tuyến quận).

Cùng với đó, Thông tư 15 cũng bổ sung giá của 9 dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được bảo biểm xã hội (BHXH) thanh toán; điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT Scanner, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại, mỗi người bệnh sử dụng khác nhau mà Quỹ bảo biểm y tế (BHYT) sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu.
Ông Liên chia sẻ, việc tăng, giảm giá phụ thuộc vào chi phí đầu vào như điện, nước, vật tư, hóa chất... hiện có một số chi phí tăng lên, một số loại lại giảm do đấu thầu. Do đó, mức giá viện phí được xây dựng từ năm 2012, 2015 theo Thông tư 37 không còn phù hợp. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục sắp xếp lại 18.000 dịch vụ y tế thành nhóm từ 2.000 - 3.000 dịch vụ y tế/nhóm để xây dựng giá cho các dịch vụ này.
Cùng với đó điều chỉnh giá tại Thông tư 15 còn giúp việc kiểm soát lạm dụng chỉ định dịch vụ. “Thực tế cho thấy, đối với những dịch vụ có số lượng sử dụng nhiều thì cần phải giảm giá để hạn chế việc chỉ định trong các trường hợp không cần thiết”, ông Nam Liên nói.
Cam kết về chất lượng dịch vụ
Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), việc điều chỉnh giảm giá dịch vụ y tế lần này có hạn chế, khiến phía bệnh viện (BV) có thể “thiệt thòi”, bởi mức giá vẫn chỉ tính chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa kết cấu chi phí quản lý theo lộ trình giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP. Tiền lương vẫn tính ở mức lương cơ sở 1.150.000 đồng, chưa tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh mức tiền lương cơ sở từ 1.7.2018 là 1.390.000 đồng), nên thời gian tới vẫn phải tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Ông Nam Liên cũng xác nhận việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối Quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT, nhưng đối với các cơ sở khám chữa bệnh có bị ảnh hưởng là giảm nguồn thu dịch vụ y tế. Nhưng Bộ Y tế đã có chỉ đạo các BV tăng cường tiết kiệm chi phí để nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời đối với các chi phí để bảo đảm hoạt động thường xuyên, nếu nguồn thu không bảo đảm thì đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành. Các BV phải dành đủ từ 3 - 5% số thu tiền ngày giường, tiền khám bệnh và ưu tiên sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, bàn, ghế, giường, tủ cho các phòng khám, phòng điều trị… Về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm nên phần đồng chi trả của người bệnh giảm, việc điều chỉnh cũng làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Về việc người dân lo ngại chất lượng dịch vụ y tế giảm với các dịch vụ điều chỉnh giảm giá, ông Nam Liên cho biết thêm với khung giá dịch vụ y tế thực hiện trong hai năm qua có một số yếu tố làm giảm chi phí. Cụ thể: tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng, các BV nhất là tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư nâng cấp, được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên nên chất lượng dịch vụ tăng, chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh tại các huyện trên địa bàn tỉnh được thực hiện nên tần suất khám, chữa bệnh/thẻ BHYT tăng, dẫn đến số lượt khám bệnh/bàn khám, số lượt siêu âm, chụp X-quang, CT Scanner, nội soi tai mũi họng, công suất sử dụng giường bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng - làm giảm được chi phí tính cho một dịch vụ.
Cùng với đó, giá một số thuốc, vật tư, hóa chất giảm do công tác đấu thầu, đặc biệt là đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế, BHXH VN và nhiều địa phương thực hiện góp phần làm giảm chi phí về thuốc, vật tư, hóa chất để thực hiện dịch vụ. “Do đó, các dịch vụ điều chỉnh giá lần này áp dụng trên cơ sở đã được Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH VN khảo sát, tính toán chi phí thực tế và thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá, tập trung vào các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn, không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế trong điều trị”.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng cam kết, Bộ Y tế đã và đang thực hiện để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh và tăng khả năng cân đối quỹ BHYT thông qua việc tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở; có các hỗ trợ tuyến y tế cơ sở (xã, huyện) phải làm tốt dự phòng, nâng cao sức khỏe, quản lý, theo dõi, điều trị các bệnh không lây nhiễm, phát hiện sớm bệnh tật để giảm chi phí điều trị cho người dân nói chung và quỹ BHYT. Hiện tại danh mục dịch vụ y tế và thuốc thiết yếu khi khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã đã được mở rộng; nhân lực đang được củng cố, nâng cao chất lượng, các BV huyện vùng khó khăn đang được tăng cường các bác sĩ tuyến trên về làm việc.
 
Cân đối lợi ích
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN cho rằng trong bối cảnh các cơ sở y tế đang phải thực hiện lộ trình tự chủ tài chính thì việc điều chỉnh Thông tư 15 này sẽ khiến các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi Chính phủ chưa cho phép thay đổi mệnh giá thu BHYT đến năm 2020, thì Thông tư 15 sẽ giúp cho quỹ khám chữa bệnh BHYT bền vững hơn. Do đó, các BV cần cân đối, điều tiết làm sao để hài hòa lợi ích giữa các bên.
Đại diện một BV ở TP.HCM cho biết giá viện phí hiện nay chỉ được đưa vào 4/7 yếu tố cấu thành, nhưng trong 4 phần thì thu cũng chưa đủ. Thí dụ, thu phần thuốc thì tất cả BV mua giá như thế nào thì bán giá thế ấy, chưa tính chi phí lưu kho, văn phòng phẩm, bao bì, hư hao… Chỉ được thu các chi phí trực tiếp, ngay cả chi phí điện, nước chỉ thu cho cuộc mổ, đèn mổ, còn điện, nước cho cả hệ thống BV chưa được tính vào giá.
Theo BS này, trong điều chỉnh giá viện phí hình như chỉ vì bảo vệ Quỹ BHYT vì điều chỉnh những cái cao bất cập. Điều chỉnh nhiều dịch vụ xuống thấp mà những dịch vụ này thì 90% bệnh nhân vào BV phải sử dụng, như X-quang, siêu âm. CT scanner… ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của BV. Tuy nhiên, khi điều chỉnh giá viện phí giảm nhưng chính sách tiền lương lại tăng từ ngày 1.7. Bất cập ở điểm là BV tự chủ, giá thu viện phí giảm thì phần chi lương cho nhân viên BV, lấy đâu bù vào? Vị BS này cho rằng: “Quỹ BHYT cứ càng trả nhiều thì dịch vụ BV càng lên theo, chất lượng dịch vụ bệnh nhân hưởng cao. BV luôn có quỹ lương bình ổn để bù đắp những tháng ít bệnh, nhưng với sự điều chỉnh viện phí lần này thì BV sẽ rất lo, BV có bao nhiêu xài bấy nhiêu, tới đâu hay đến đó!”.
Trong khi đó, PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho hay các BV đang triển khai các mô hình tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh điều trị nội trú theo đúng quy định, tăng cường công tác chăm sóc, chống nhiễm khuẩn để giảm số ngày điều trị nội trú.
Ông Khuê cũng lưu ý, để duy trì chất lượng khám chữa bệnh BHYT, các BV thường xuyên quá tải phải báo cáo UBND cấp tỉnh giao tăng giường bệnh, số lượng người làm việc; thực hiện chuyển người bệnh sang các cơ sở y tế khác (quá khả năng chuyên môn phải chuyển tuyến trên, nếu đỡ phải chuyển tuyến dưới theo dõi, điều trị, hoặc chuyển các cơ sở khác chưa sử dụng hết công suất). Chỉ các trường hợp thực sự quá tải mới được kê thêm giường để không nằm ghép.
Liên Châu - Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.