Cục ATVSTP (Bộ Y tế cho biết), Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 117-2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 279-2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác ATVSTP. Thông tư 117 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.1.2019
Theo đó, mức điều chỉnh cụ thể như sau: Phí thẩm định điều kiện cơ sở kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy, cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu khi đánh giá lần đầu, đánh giá mở rộng được giảm từ mức 32 triệu đồng/lần/đơn vị xuống mức 28,5 triệu đồng; trường hợp đánh giá lại thì phí giảm từ 22,5 triệu đồng xuống còn 20,5 triệu đồng; Phí thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Thẩm định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi: 1.500.000 đồng/lần/sản phẩm; Thẩm định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định: 500.000 đồng/lần/sản phẩm.
Về quy định phí xác nhận lô hàng thực phẩm nhập khẩu (chưa bao gồm chi phí kiểm nghiệm), trong đó: đối với kiểm tra thông thường 300.000 đồng/lô hàng; đối với kiểm tra chặt 1.000.000 đồng/lô hàng + (số mặt hàng x 100.000 đồng, từ mặt hàng thứ 2). Tối đa 10.000.000 đồng/lô hàng.
Thẩm định hồ sơ đăng ký lưu hành bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm 3.000.000 đồng/lần/bộ xét nghiệm; Phí thẩm định điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong đó, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm: đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm 500.000 đồng/lần/cơ sở; đối với cơ sở sản xuất khác được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm 2.500.000 đồng lần/cơ sở;
Với thẩm định điều kiện cơ sở kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy, cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu: đánh giá lần đầu, đánh giá mở rộng 28.500.000 đồng/lần/đơn vị; đánh giá lại: 20.500.000 đồng/lần/đơn vị; Phí thẩm định nội dung kịch bản phim, chương trình trên băng, đĩa, phần mềm, trên các vật liệu khác và tài liệu trong quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế : 1.100.000 đồng/lần/sản phẩm.
|
Quy định về thu hồi, tiêu hủy thực phẩm không an toàn
Trước đó, từ 1.11.2018, Thông tư số 23/2018/TT-BYT ngày 14.9.2018 do Bộ Y tế ban hành quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế đã có hiệu lực.
Thông tư này quy định chi tiết hình thức, trình tự, trách nhiệm thu hồi và xử lý sau thu hồi đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế; quy định về thu hồi tự nguyện, thu hồi bắt buộc. Thu hồi trong trường hợp nghiêm trọng, khẩn cấp được áp dụng trong trường hợp chủ sản phẩm không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ việc thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn theo quyết định thu hồi bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền.
Sản phẩm thực phẩm phải thu hồi được xử lý theo một trong các hình thức sau: Khắc phục lỗi ghi nhãn (với trường hợp sản phẩm vi phạm về ghi nhãn so với hồ sơ tự công bố…); Chuyển mục đích sử dụng (với trường hợp sản phẩm vi phạm có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng không sử dụng được trong thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào lĩnh vực khác); Tái xuất (với trường hợp sản phẩm nhập khẩu có chất lượng, mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng); Tiêu hủy (với trường hợp sản phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất…).
Nguồn: Cục An toàn thực phẩm
|
Bình luận (0)