Ho ra máu dai dẳng nhưng không biết bệnh gì!
Ngày 2.6 vừa qua, khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) tiếp nhận một bệnh nhân tên Phạm V.M. (47 tuổi, nhà ở Bình Quới, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Ông M. vào viện vì tình trạng ho hoài mà không khỏi bệnh. Qua thăm khám, hỏi bệnh, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân đã có tiền sử ho ra máu dai dẳng từ hơn 10 năm nay. Thỉnh thoảng ông cũng có đi khám và điều trị ở một số nơi, nhưng không hết bệnh. Ông cũng được xét nghiệm tìm vi trùng lao nhiều lần nhưng đều cho kết quả âm tính; và sau cùng được chẩn đoán là giãn phế quản.
Sau khi nhập Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đến chiều cùng ngày, bệnh nhân đột ngột ho ra 100 ml máu đỏ tươi, nên được chuyển vào khoa Hô hấp. Tại đây, ông M. cũng được xét nghiệm máu, thử đàm, chụp
X-quang phổi, nhưng các kết quả gần như bình thường. Cho đến sáng 5.6, các bác sĩ tiếp tục truy tìm bệnh, và khi tiến hành nội soi phế quản bằng ống nội soi mềm đã phát hiện một hạt sapôchê nằm trong lòng phế quản, ở thùy dưới phổi bên trái. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thụy (Trưởng khoa Nội hô hấp) đã gắp hạt sapôchê ra khỏi đường thở bệnh nhân qua ống nội soi. Một ngày sau, ông M. được xuất viện. Lúc này ông mới nhớ lại hơn 10 năm trước, ông có bị sặc khi đang ăn sapôchê. Lúc đó có khó thở nhẹ, nhưng không hề biết đã bị rơi hạt sapôchê vào đường thở trong lúc ăn.
Tránh những sai lầm
Ở khoa tai - mũi - họng của các bệnh viện thường tiếp nhận những trường hợp hóc dị vật trong lúc ăn uống như: hóc xương heo, hóc đuôi tôm, hóc xương cá, hóc các loại hạt (như: hạt mãng cầu, hạt vú sữa, hạt sapôchê, hạt dưa, hướng dương…). Nhiều người vô tình không biết mình bị hóc. Nhiều trường hợp hóc hạt vào đường thở làm ho dai dẳng, tự đi mua thuốc uống không bớt; cũng có những trường hợp xử trí sai sau khi hóc.
Chuyên gia tai - mũi - họng, bác sĩ Phạm Thanh Sơn lưu ý: “Những trường hợp hóc nhẹ, xương nhỏ, chỉ vướng sơ, thì có thể nuốt cục cơm trắng, dùng tay vuốt xuống - như cách dân gian thường làm, có thể đẩy xương trôi xuống được. Nhưng với xương lớn, vị trí mắc khó, thì không thể xử trí theo kiểu tìm người đẻ ngược để vuốt, rất nguy hiểm. Có người cố nuốt rau để đẩy xương, khiến rau đóng một nùi chỗ bị hóc, làm viêm nhiễm. Nhiều trường hợp bị hóc không sâu, không nghiêm trọng, nhưng do thọc ngón tay cào, móc khiến dị vật bị đẩy sâu vào trong làm nguy hiểm hơn...”.
Có nhiều người để quá lâu (như ông M. nói trên), khiến chỗ hóc bị viêm, nhiễm trùng, áp-xe. Cần đến bệnh viện để xử trí trước 24 giờ sau khi hóc. Để sau 24 giờ dễ bị viêm nhiễm. Có trường hợp phải cắt bỏ một bên phổi chỉ vì một hạt trái cây bởi hạt lọt vào phổi làm áp-xe, gây tắc lưu thông khí hoàn toàn một bên phổi.
Nếu hóc đường ăn uống, sẽ có những biểu hiện: nuốt có cảm giác đau, vướng. Tùy theo vị trí mà mức độ đau khác nhau. Nếu bị hóc hạt vào đường thở thì có biểu hiện: ho sặc sụa, mặt tím tái, khó thở. Những triệu chứng này có thể ngưng, rồi sau đó sẽ bị lại. Với những trẻ nhỏ chưa nói được, cần lưu ý, nếu trẻ bị hóc thì khi được cho ăn trẻ rất sợ và khóc, không chịu ăn; trẻ hay cào cào ở cổ hoặc chảy nước miếng...
+ Đối với các loại trái cây có hạt, nhất là sapôchê, để tránh bị hóc, nên xẻ theo chiều ngang để lấy hạt ra trước khi ăn (theo thói quen nhiều người thường xẻ dọc). + Xử trí cấp thời khi bị hóc dị vật vào đường thở (áp dụng đối với trẻ từ 12 tuổi và người lớn như sau: Đứng sau lưng người bị hóc, hai tay vòng ra phía trước, đan chéo nhau rồi đặt lên vùng thượng vị (chấn thủy) giật mạnh vào để tống dị vật ra. Nếu trẻ nặng ký quá, hay người lớn, thì cho nằm sấp xuống, đầu nghiêng một bên. Để hai bàn tay vuông góc nhau và ấn lên chỗ chấn thủy, rồi đẩy mạnh đột ngột từ 3 - 5 cái để đẩy dị vật ra. |
Thanh Tùng
Bình luận (0)