Hư ngực, méo mặt vì bơm mỡ nhân tạo, chất làm đầy

14/04/2017 05:08 GMT+7

Để có 'vòng 1' gợi cảm, da căng, mũi cao, cằm nhọn, nhiều phụ nữ đã bơm chất làm đầy tại các cơ sở thẩm mỹ không đủ chuyên môn. Kết quả, đẹp chẳng được lâu mà hư hao dài hạn.

Mất “núi đôi” vì mỡ nhân tạo
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết: Chị N.L.M. (34 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy khi vú bị viêm tấy, biến dạng, nhiễm trùng.
Để có “núi đôi” gợi cảm, chị đã sang Trung Quốc nâng ngực bằng phương pháp bơm mỡ nhân tạo (Amazing gel). Sau một thời gian, bệnh nhân thấy ngực bị viêm tấy, sưng đỏ, phình to, biến dạng.
Bác sĩ Hùng đã phải phẫu thuật, rút hết chất dịch lỏng (Amazing gel) ra khỏi ngực bệnh nhân và cắt bỏ mô xơ viêm, làm sạch nhiễm trùng cho bệnh nhân.
Bệnh nhân sau đó được chăm sóc vết thương, ổn định sức khỏe. Tuy nhiên, ngực bệnh nhân bị hủy hoại, không còn hình dạng.
“Phải sau 6 tháng, tình trạng viêm nhiễm không còn, bệnh nhân ổn định rồi thì bác sĩ mới có thể tái tạo lại ngực cho bệnh nhân được”, bác sĩ Hùng cho biết.
Theo bác sĩ Hùng, Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), gặp không ít trường hợp bệnh nhân bị biến chứng, hoại tử, méo mó ngực do bơm các chất làm đầy, thực hiện nâng ngực ở những cơ sở không đảm bảo đúng chuyên môn.

tin liên quan

Cứu bệnh nhân 15 năm 'tự chữa' biến chứng do tiêm silicon dỏm
  Ngày 1.4, TS.BS Trần Đăng Khoa (Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ Khoa Thảo, TP.HCM) đã nạo toàn bộ silicon mắt phải, cắt lọc mô thâm nhiễm và tái tạo lại mí mắt cho bệnh nhân do bệnh nhân bị biến chứng tiêm silicon lỏng không rõ nguồn gốc.
Riêng với Amazing gel, nó thường được sử dụng ở Trung Quốc, Đài Loan vì giá rẻ, dễ sử dụng. Chất Amazing gel được tiêm vào vùng ngực để làm ngực to. Tuy nhiên, AFP từng cảnh báo đã ghi nhận nhiều trường hợp bơm ngực bằng chất “Amazing gel” bị viêm, cứng mô. Theo các chuyên gia y tế, Amazing gel thậm chí có khả năng gây ung thư.
Gel này có thể di chuyển từ ngực sang các phần khác của cơ thể. Khi được bơm vào ngực, chất mỡ nhân tạo này có thể phân rã vì không giống như các phương pháp thông thường sử dụng túi silicon hoặc nước muối sinh lý. Gel dùng để bơm ngực không dễ gì thu hồi, làm sạch được.
Hoại tử mặt vì chất làm đầy
Tại Khoa Thẩm mỹ - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), bệnh nhân T.M.H. (29 tuổi, ngụ TP.HCM) “ôm hận” vì hai bên má gần như hoại tử, lở loét.
Chị cho biết, tháng 11.2016, muốn có da mặt căng chắc, chị đã tiêm chất làm đầy vào hai bên má tại spa (chăm sóc da). Chị không rõ chất làm đầy được tiêm là gì.
Sau hơn ba tháng, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử vùng má, silicon vón cục lại và rò mủ ra bên ngoài.
Bệnh nhân bị hoại tử mặt, mũi do tiêm chất làm đầy Bác sĩ cung cấp
Theo tiến sĩ - bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Thẩm mỹ - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), trường hợp này khó điều trị vì không biết được cụ thể chất làm đầy này là loại nào và tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân khá nặng, phải điều trị lâu dài.
Bác sĩ Khanh nghi ngờ bệnh nhân đã bị bơm silicon lỏng, khó lấy sạch.
Chị Đ.H.A. (41 tuổi, ngụ TP.HCM) lại nhập viện Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng mệt mỏi, đau nhức vùng mắt.
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy toàn bộ phần mũi và giữa hai chân mày của bệnh nhân có dấu hiệu hoại tử ngày càng lan rộng.
Được biết, cách đây hơn hai tháng, chị A. đã nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ bằng phương pháp tiêm chất làm đầy.
Để điều trị tình trạng hoại tử do biến chứng của chất làm đầy cho bệnh nhân, các bác sĩ đã phải sử dụng kháng sinh kháng viêm liều cao. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân được xuất viện.
“May mắn là bệnh nhân được điều trị kịp thời nên có thể bảo tồn được toàn bộ phần mũi”, bác sĩ Khanh cho biết.
Theo bác sĩ Khanh, hiện nay chất làm đầy (filler) được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực thẩm mỹ. Tiêm chất làm đầy giúp làm đầy vùng hõm, nhăn của gương mặt và cơ thể. Bên cạnh đó, chất làm đầy còn được dùng để tạo hình vùng mũi, cằm giúp mũi cao hơn, cằm nhọn hơn và đầy đặn hơn mà không cần phẫu thuật.
“Việc tiêm chất làm đầy ít khi xảy ra biến chứng nếu được thực hiện tại các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, với bác sĩ có tay nghề, chuyên môn, kỹ thuật vững và chất được tiêm được sử dụng trong y khoa. Vì vậy, muốn làm đẹp, người dân nên chọn bệnh viện, cơ sở uy tín được phép thực hiện thủ thuật thẩm mỹ, bác sĩ có giấy phép hành nghề. Đặc biệt, cần phải biết mình được tiêm chất gì vào cơ thể để có phương pháp điều trị phù hợp khi xảy ra tai biến”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.