Khi bệnh lao kháng thuốc…

Lao kháng thuốc, hiểu nôm na là việc bệnh nhân “nhờn” thuốc khiến tình trạng bệnh trở nặng và điều trị khó khăn, tốn kém hơn rất nhiều so với thông thường. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới xuất hiện khoảng gần 500.000 trường hợp lao đa kháng, trong đó 5-7% là lao siêu kháng. Có thể nói, sự bùng phát của bệnh lao kháng thuốc cũng là mối đe dọa lớn đối với công tác phòng chống căn bệnh này trên toàn thế giới.

Lao kháng thuốc, hiểu nôm na là việc bệnh nhân “nhờn” thuốc khiến tình trạng bệnh trở nặng và điều trị khó khăn, tốn kém hơn rất nhiều so với thông thường. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới xuất hiện khoảng gần 500.000 trường hợp lao đa kháng, trong đó 5-7% là lao siêu kháng. Có thể nói, sự bùng phát của bệnh lao kháng thuốc cũng là mối đe dọa lớn đối với công tác phòng chống căn bệnh này trên toàn thế giới.

Vì sao xuất hiện tình trạng lao kháng thuốc?
Thông thường, tình trạng mắc lao kháng thuốc xuất hiện khi việc điều trị bằng thuốc không đúng quy định. Việc này đôi khi xuất phát từ đơn thuốc kê không đúng, thuốc lao kém chất lượng hoặc do bệnh nhân dùng thuốc không đủ liều hàng ngày, điều trị không đủ thời gian… Hiện nay, việc kiểm soát điều trị lao ở các cơ sở y tế tư chưa chặt chẽ, thêm vào đó, thuốc lao lưu hành trên thị trường tự do đi đôi với việc sử dụng phác đồ không phù hợp, không kiểm soát được sự tuân thủ của bệnh nhân khiến bệnh lao kháng thuốc càng có “cơ sở” hình thành và lây lan thêm.
Tương tự bệnh lao thông thường, lao kháng thuốc chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp do hít phải không khí có chứa vi khuẩn lao hay từ việc ho, khạc, hắt hơi của người mắc lao phổi. Điều này khiến vi khuẩn lao kháng thuốc có thể lây truyền từ người bệnh sang người tiếp xúc nếu việc thực hiện phòng chống lây nhiễm chưa đảm bảo, công tác quản lý sàng lọc người tiếp xúc chưa tốt. Cùng với đại dịch HIV làm người bệnh suy giảm miễn dịch, dễ mắc bệnh lao nói chung và sự dễ lây lan của chính lao kháng thuốc nói riêng khiến căn bệnh này càng có điều kiện dễ dàng bùng phát.
Lao kháng thuốc - nguy hiểm đến đâu?
Mắc lao thông thường đã nguy hiểm, mắc lao kháng thuốc thì mức độ nguy hiểm càng tăng lên nhiều lần. Bởi nếu không được phát hiện sớm và điều trị triệt để, bệnh nhân lao kháng thuốc có nguy cơ tử vong cao đồng thời trở thành “tác nhân” lây truyền vi khuẩn lao kháng thuốc cho những người xung quanh, gây nên những hậu quả khôn lường về sức khỏe, kinh tế cho gia đình và xã hội. Một khi đã nhiễm lao kháng thuốc, việc điều trị cũng khó khăn hơn nhiều bởi chi phí cao hơn, thời gian kéo dài hơn lẫn kết quả khó khỏi hơn và bệnh nhân có thể gặp nhiều phản ứng bất lợi rất cần xử trí kịp thời trong quá trình điều trị.
Theo TB Country Report - WHO 2013, hHiện nay, trong tổng số 27 nước có gánh nặng lao đa kháng trên toàn cầu, Việt Nam đang đứng thứ 14. Theo số liệu của Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG), mỗi năm nước ta xuất hiện khoảng 5.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc, trong đó có một tỉ lệ không nhỏ mắc lao siêu kháng thuốc. Đây có thể xem là một thách thức lớn của công tác phòng chống lao và là nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Phân biệt lao kháng thuốc từ những triệu chứng nguy cơ
Để xét nghiệm sớm lao kháng thuốc, người bệnh đang trong quá trình điều trị lao có thể “rà soát” nguy cơ từ những triệu chứng như sốt, ho, khạc đờm không thuyên giảm hoặc giảm bớt một thời gian rồi xuất hiện trở lại với dấu hiệu tăng lên, tiếp tục sút cân. Hay việc người bệnh có xét nghiệm đờm vẫn dương tính sau 2,3 tháng hoặc được kết luận là thất bại (dương tính sau 5 tháng điều trị) cũng là dấu hiệu báo trước của bệnh lao kháng thuốc. Ngoài ra, nhóm người bệnh đã điều trị khỏi trước đây, hoặc bỏ trị trước đây nay tái phát trở lại, người bệnh lao có HIV (+), người có tiếp xúc gần gũi với người bệnh lao kháng thuốc (có thể trong hộ gia đình, nơi làm việc) hoặc những người nghi lao hoặc người bệnh lao có tiền sử dùng thuốc lao trên 1 tháng, người nghi lao hoặc người bệnh lao có tiền sử điều trị lao ở y tế tư nhưng không rõ kết quả điều trị đều có thể nằm trong diện nguy cơ đối diện căn bệnh này.
Chẩn đoán và điều trị sao cho khỏi?
Trước đây, để chẩn đoán bệnh lao kháng thuốc cần từ 2-4 tháng để thực hiện xét nghiệm nuôi cấy và làm kháng sinh đồ truyền thống. Trong khi đó, do nguồn lực hạn chế nên Chương trình chống lao chưa có thuốc để điều trị khi bệnh nhân lao kháng thuốc. Từ năm 2009, CTCLQG đã cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị miễn phí cho nhóm bệnh nhân này. Đặc biệt với kỹ thuật chẩn đoán nhanh (xét nghiệm Gene Xpert) áp dụng từ năm 2012, kết quả chẩn đoán lao kháng thuốc có thể cho kết quả chỉ trong 2 giờ xét nghiệm.
Thời gian điều trị lao kháng thuốc bình quân hiện nay là 20 tháng, bao gồm 8 tháng tiêm thuốc (giai đoạn tấn công) và 12 tháng uống thuốc (giai đoạn duy trì). Người bệnh sẽ dùng thuốc 6 ngày/tuần (trừ chủ nhật) dưới sự giám sát trực tiếp hàng ngày của nhân viên y tế trong suốt liệu trình đến khi kết thúc điều trị. Mặc dù điều trị lao kháng đa thuốc có thể kéo dài tới 2 năm nhưng tỷ lệ khỏi vẫn rất cao nếu điều trị đúng cách. Mặt khác, đây được gần như được xem là cơ hội cuối cùng để bệnh nhân có thể khỏi hẳn bệnh lao. Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao kháng đa thuốc khá cao (khoảng 70-75%), trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực chỉ ở mức dưới 50%. Điều này cho thấy tính khả quan trong việc quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân là điều kiện tiên quyết để có được kết quả điều trị tốt nhất. Tin vui là Chương trình chống lao đang có kế hoạch triển khai thí điểm phác đồ điều trị lao kháng thuốc với thời gian ngắn (9 tháng), hy vọng sẽ sớm đưa vào áp dụng chính thức để có thêm cơ hội điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.