Khi đĩa đệm không thể chống đỡ

31/12/2009 10:06 GMT+7

(TNTT>) Thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến, thường xảy ra ở người già do quá trình lão hóa. Ngoài ra, cũng có thể xảy ra ở người trẻ do bị chấn thương

 Theo tài liệu chuyên ngành, cột sống có vai trò quan trọng, giúp chống đỡ toàn bộ cơ thể, khiến cơ thể dễ dàng vươn, nghiêng, cúi, ngửa, xoay chuyển. Khác với xương tại các bộ phận khác, cột sống cấu tạo phức tạp hơn, do nhiều đốt sống ghép lại với nhau, giữa các đốt sống là đĩa đệm. Đĩa đệm có vai trò như  chất keo liên kết các đốt sống và giúp đốt sống chuyển động uyển chuyển hơn. Đĩa đệm gồm một nhân nhầy và xung quanh có bao xơ dày và các dây chằng.

Thoái hóa

(TNTT&GT) PGS.TS Nguyễn Văn Thông, Giám đốc trung tâm đột quỵ 108, mô tả quá trình đĩa đệm bị thoái hóa như sau: giai đoạn đầu vòng sợi (bao quanh nhân nhầy) phía sau đĩa đệm bị yếu, lồi ra sau ở một điểm, rồi rách đồng tâm vòng sợi nhưng đĩa đệm vẫn còn chức năng sinh cơ học. Giai đoạn tiếp theo là rách các sợi colagen khu vực giữa bờ viền (đường rách chưa hết bề dày vòng sợi), lúc này chưa có biểu hiện lâm sàng. Giai đoạn ba: rách cả ngoại vi đĩa đệm, hết chiều dày vòng sợi rồi biến dạng và rách nhiều phía lớp vòng sợi. Cuối cùng là đĩa đệm bị biến dạng, phá vỡ bề dày và rách nặng nhiều phía các lớp vòng sợi. Bằng quan sát lâm sàng, bệnh nhân thường đau thần kinh mãn hay tái phát, hẹp ống sống, hẹp lỗ liên kết. Khi kiểm tra, cột sống bị giảm trên ½ chiều cao đĩa đệm, mất đường cong sinh lý, nhiều gai.

Bài thuốc từ lá nhàu: Một bệnh nhân gần 60 tuổi kể lại, ông không biết mình mắc bệnh nên vẫn cứ đi làm, vận động bình thường. Đến một ngày, sau khi làm việc quá mức ông bỗng đau quằn quại phần thắt lưng đến mức không đi lại được. Sau khi nhập viện, bác sĩ cho biết ông bị thoát vị đĩa đệm nhưng do chưa ảnh hưởng đến dây thần kinh nên không cần phẫu thuật. Theo kinh nghiệm dân gian, ông sử dụng bài thuốc nam trong 2 tuần mà giảm đau tới 90%. Bài thuốc gồm: muối và lá nhàu. Dùng muối hạt rang nóng và lá nhàu tươi. Cứ một lớp muối trải một lớp lá nhàu. Bệnh nhân nằm lên thuốc trong 30 phút, mỗi ngày từ 2 - 3 lần. Nếu không có lá nhàu có thể thay thế bằng lá ngải cứu. Trong quá trình điều trị, ông chỉ nghỉ ngơi, tập xà đơn nhẹ nhàng, đi bộ dọc bờ biển.

Thoái hóa đĩa đệm có nhiều dạng. Lồi đĩa đệm cột sống thắt lưng là một hình thức. Lúc này nhân nhầy di chuyển, lồi về phía suy yếu của vòng sợi, làm rạn rách nhưng chưa ảnh hưởng hết bề dày vòng sợi. Đây là hậu quả của thoái hóa đĩa đệm và là tiền đề của thoát vị đĩa đệm. Bệnh nhân thường có biểu hiện đau thắt lưng cục bộ. Việc điều trị làm mất tải dọc trục cột sống bằng cách: ngưng động, nghỉ ngơi, chườm nóng, giảm đau, xoa bóp nhẹ, tập tăng linh động cột sống... giúp đĩa đệm trở về vị trí ban đầu.

Dạng tiếp theo là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Thoát vị xảy ra khi đứt rách hoàn toàn các lớp của vòng sợi, nhân nhầy và tổ chức khác của đĩa đệm thoát ngoài. Có 3 mức độ thoát vị (kích thích rễ thần kinh; chèn ép một phần; mất dẫn truyền thần kinh). Nếu không điều trị  kịp thời sẽ dẫn tới xơ hóa nhân nhầy, phá vỡ rạn rách vòng sợi, giảm chiều cao đĩa đệm, hẹp ống sống, hư khớp đốt sống, mọc gai xương dẫn tới đau thắt lưng cấp hoặc  mãn tính.

Nếu là bệnh nhân trẻ, khi có các biểu hiện như bị chấn thương, đau thần kinh, đau nhiều khi vận động, nếu nghỉ thì đỡ đau, ho hoặc hắt hơi đều đau, lệch vẹo cột sống… nên nghĩ tới bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (TVĐĐCSTL).

10% phải phẫu thuật

(TNTT&GT) Có 90% bệnh nhân thoát vị đĩa đệm được điều trị bảo tồn, 10 % phải phẫu thuật. Phẫu thuật để cắt vòng bệnh lý trên với mục tiêu chấm dứt hoặc giảm đau, phục hồi chức năng sinh cơ học của cột sống thắt lưng, phục hồi chức năng dẫn truyền thần kinh.

Đối với điều trị bảo tồn TVĐĐCSTL giai đoạn cấp, bệnh nhân bất động ở tư thế nằm, dùng thuốc (giảm đau, giãn cơ); xoa bóp, bấm huyệt. Còn đối với TVĐĐCSTL mãn tính buộc phải kết hợp xoa bóp, nắn chỉnh, kéo giãn cột sống, giảm đau, chống viêm, tập luyện. Nếu tách một trong các liệu pháp trên, việc điều trị không có kết quả.

Phẫu thuật chỉ áp dụng khi cột sống bị hội chứng đuôi ngựa (mất cảm giác vùng chậu), liệt các cơ quan trọng (do ảnh hưởng thần kinh), điều trị nội khoa 3 tháng không giảm. Bác sĩ sẽ thực hiện việc mở cửa sổ qua dây chằng vàng, vi phẫu - lấy bỏ đĩa đệm qua da, phẫu thuật đóng cứng – bỏ đĩa đệm, bơm chất làm cứng.

Trúc Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.