Khoảng 70% người mắc đái tháo đường không được chẩn đoán

Liên Châu
Liên Châu
11/11/2018 12:35 GMT+7

Không được chẩn đoán sớm mắc đái tháo đường khiến người bệnh bị các biến chứng nặng nề làm tăng nguy cơ suy thận, cắt chi, đột quỵ

Ngày hội phòng, chống đái tháo đường thế giới 14.11 năm nay với chủ đề “Gia đình cùng hành động sớm phòng chống bệnh đái tháo đường”, đã được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức sáng 11.11 tại Hà Nội và TP.HCM. Dịp này các bác sĩ của 8 bệnh viện lớn tham gia khám, tầm soát tư vấn bệnh đái tháo đường cho khoảng 1.000 người dân sống tại hai thành phố.
GS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, với hoạt động này các bác sĩ sẽ cung cấp kiến thức nâng cao nhận thức về tác động của bệnh Đái tháo đường đối với gia đình và thông tin về mạng lưới hỗ trợ những người bị ảnh hưởng; thúc đẩy vai trò của gia đình trong việc quản lý, chăm sóc, phòng ngừa đái tháo đường.
“Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát sớm bệnh, giảm thiểu nguy cơ biến chứng, từ đó hạ tỉ lệ tử vong cũng như giảm chi phí điều trị đối với người mắc đái tháo đường”, GS Thuấn chia sẻ.
Tham dự buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh đái tháo đường chiếm tỉ lệ tử vong đứng thứ 3. Trong nhóm tuổi từ 18 - 69, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp cũng chiếm 18,9%.
Bộ trưởng Kim Tiến lo ngại trước xu hướng bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người chết có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Riêng với bệnh đái tháo đường, hiện nay chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18 - 69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán.
“80% số bệnh nhân tim mạch giai đoạn đầu, tiểu đường tuýp 2, 40% ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa qua tập thể dục, không lạm dụng rượu bia, thuốc lá… Tôi mong muốn Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường năm nay với chủ đề “Gia đình cùng hành động sớm phòng, chống bệnh đái tháo đường” sẽ nhận được sự vào cuộc của gia đình, người thân, cộng đồng xã hội cùng góp sức đẩy lùi gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam”, bà  Tiến nói.
Các bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho hay, cùng với lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hoá, số người mắc đái tháo đường typ 2 (bệnh liên quan mật thiết đến chế độ dinh dưỡng không hợp lý và “ lười” vận động) đang tăng nhanh, đặc biệt lo ngại đã ghi nhận các ca mắc là trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi; thanh niên 20 - dưới 30 tuổi trong khi hơn 10 năm trước bệnh hầu hết chỉ ghi nhận sau tuổi 40 tuổi.
Các bác sĩ khuyến cáo mỗi người nên có thói quen khám sức khỏe 6 tháng/lần để có thể phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, khi đó chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn, vận động thể lực đã có thể ngăn chặn được mắc đái tháo đường. Đáng lứu ý, trẻ em/người thừa cân béo phì trong gia đình có người thân mắc đái tháo đường nên khám, phát hiện nguy cơ mắc bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.