Khói thuốc lá tấn công phổi như thế nào?

Liên Châu
Liên Châu
25/05/2019 13:53 GMT+7

Phổi không chỉ bị “đốt” khi một người hút thuốc mà các chất độc trong khói thuốc lá còn gây hại ghê gớm cho người hút thụ động

Theo các chuyên gia hô hấp, trung bình hai lá phổi của con người chứa khoảng 6 lít không khí, đóng vai trò chính yếu trao đổi các khí cho cơ thể. “Bộ lọc khí’ này có thể bị hủy hoại bởi những chất độc trong khói thuốc đã chứng minh bởi các nghiên cứu
Ung thư phổi
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn hai phần ba số ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu.
Hút thuốc thụ động (như tại các nơi làm việc, tại nhà, trong môi trường khép kín...) cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi cho người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc
Các nghiên cứu trong nhiều năm cho thấy, bỏ thuốc lá giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi. sau 10 năm bỏ hút thuốc, nguy cơ ung thư phổi giảm xuống khoảng một nửa so với người hút thuốc.
Bệnh hô hấp mãn tính
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là tình trạng tích tụ chất nhầy và mủ trong phổi người hút thuốc dẫn đến ho, đau ngực và khó thở.
Nguy cơ mắc bệnh COPD đặc biệt cao ở những người hút thuốc từ khi còn trẻ, vì các chất độc trong khói thuốc lá làm suy giảm sự phát triển của phổi. Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, góp phần gây ra tàn phế và tử vong cho cả người hút thuốc và người hút thuốc thụ động
Bỏ thuốc lá là phương pháp hiệu quả nhất để làm chậm tiến triển của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và cải thiện các triệu chứng hen suyễn.
Gây hại hệ hô hấp của trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh tiếp xúc với các chất độc trong khói thuốc từ khi còn ở trong bụng mẹ sẽ bị chậm phát triển chức năng phổi. Trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ bị phát bệnh hen suyễn hoặc làm bệnh hen trầm trọng hơn, tăng nguy cơ mắc viêm phổi, viêm phế quản và thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
Trẻ em hút thuốc thụ động từ khi còn nhỏ có thể phải chịu những hậu quả sức khỏe ở tuổi trưởng thành như tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do việc bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ.
Có thể bỏ thuốc lá trong 5 ngày ẢNH TƯ LIỆU CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ
Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra.
Tăng gấp đôi nguy cơ mắc lao phổi
Bệnh lao gây hại cho phổi và làm giảm chức năng của phổi. Bệnh sẽ trầm trọng hơn ở những người hút thuốc. Đáng lưu ý, khoảng một phần tư dân số thế giới có nhiễm vi khuẩn lao tiềm ẩn, và khói thuốc khiến họ có nguy khởi phát thành mắt bệnh lao. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh lao cao gấp đôi những người không hút thuốc
Ở những bệnh nhân đang mắc bệnh lao, nếu tiếp tục hút thuốc thì sự kết hợp của bệnh lao với các tác hại của khói thuốc lá, sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ tàn tật và tử vong do suy hô hấp.
Tồn dư chất độc hại trong không khí
Khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí tới năm giờ đồng hồ kể cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Khói thuốc lá làm ô nhiễm không khí, đặc biệt trong môi trường khép kín, tại các khu vực trong nhà.
Với hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 là chất gây ung thư, sự ô nhiễm các chất độc hại trong khói thuốc là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, các bệnh hô hấp mãn tính và giảm chức năng phổi cho những người sống và làm việc tại các nơi này.
 Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người quan tâm thực hiện các biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe phổi là không hút thuốc và giảm đến mức thấp nhất việc phải tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
 Theo chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), hoàn toàn có thể bỏ thuốc lá trong 5 ngày, trong đó có cần chú ý: nghiện thuốc là một bệnh mãn tính cũng như là bệnh cao huyết áp hay bệnh đái đường, cần phải có thái độ nghiêm túc và có cách chữa trị đúng mới thành công. Nhưng điều quan trọng là gia đình, bạn bè và những người xung quanh có vai trò quan trọng trong việc giúp bạn bỏ thuốc. Để bỏ thuốc thì quyết tâm là yếu tố quyết định. 

 

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.