Còn có lý do quan trọng khác với một tiến sĩ y khoa được đào tạo bài bản ở Đức vốn tính rất cẩn trọng: "Bệnh viện FV có văn hóa làm việc tương đồng bệnh viện ở Đức: hiện đại, văn minh với các quy trình về chuyên môn đáp ứng được mong muốn chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân". Ông giải thích FV đặt ra sứ mệnh rất rõ ràng: mỗi bệnh nhân đều phải được chữa trị khoa học nhất và an toàn nhất. Để thực hiện sứ mạng đó, bệnh viện phải tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, bao gồm những khối công việc đồ sộ được làm trong hậu trường, chẳng hạn sự vận hành không ngưng nghỉ của hội đồng chống nhiễm khuẩn, hội đồng y tế, hội đồng y đức, phòng quản lý chất lượng JCI... Bệnh nhân không thấy được hệ thống “ngốn” rất nhiều nhân sự và tài chính đó nhưng là một bác sĩ thấm đẫm văn hóa làm việc phương Tây, bác sĩ Phát biết tất cả quan trọng biết bao cho sự an toàn của bệnh nhân.
Ông tiến sĩ và chàng sinh viên
Những ai từng là bệnh nhân của bác sĩ Phát đều khá bất ngờ với giọng nói nhỏ nhẹ nghe như lời ru của ông. Nhưng bất ngờ hơn có lẽ là niềm say mê, háo hức của ông bác sĩ trưởng khoa. Từng cử chỉ, lời nói, dáng điệu của ông đều thể hiện sự trân trọng, nâng niu như thể ông đang tận hưởng một ân huệ nào đó từ bệnh nhân. Riêng tôi, tôi đã thấy mình đặc biệt như thể là bệnh nhân đầu đời của ông, là người mà nhờ sự hiện diện của tôi, lần đầu tiên ông từ vị thế chàng sinh viên mới ra trường được đứng vào hàng ngũ lương y đáng kính. Có lúc, tôi quên mất trước mặt mình là một tiến sĩ y khoa danh tiếng đã gần 30 năm trong nghề!
"Làm sao một bác sĩ gần 30 năm qua ngày nào cũng khám, cũng mổ, cũng nghe bệnh nhân than đau, kể mệt và trút lên bác sĩ bao nhiêu áp lực lại có thể luôn giữ được phong thái vừa nhẹ nhàng từ tốn, vừa háo hức hăng say như thế?" - tôi đem thắc mắc hỏi bác sĩ Phát sau lần khám bệnh thứ 3. Vẫn cái giọng nhẹ nhàng và ánh mắt lấp lánh niềm hãnh diện ấy, bác sĩ Phát giải thích: "Mỗi lần được tiếp xúc bệnh nhân với tôi là mỗi món quà vì nhờ đó mà tôi được nói chuyện với nhiều người, quen biết nhiều người. Ngoài ra, nếu muốn chữa bệnh thì phải biết đủ thông tin bệnh nhân, mà muốn biết đủ thông tin thì phải thân thiện, gần gũi, bệnh nhân mới kể hết cho bác sĩ nghe. Nếu bác sĩ không phải là người chủ động mở cánh cửa đó thì nó sẽ mãi mãi khép, bác sĩ không bao giờ có thể vô được, đồng nghĩa không tìm ra bệnh một cách chính xác nhất".
Trái tim biết nghe
Sự trân trọng và lắng nghe từ vị bác sĩ danh tiếng cũng giúp ông luôn nỗ lực đáp ứng mong mỏi của bệnh nhân đến mức tối đa trong giới hạn cho phép của y khoa. Chẳng hạn, trong lần ông mổ thay khớp háng cho người phụ nữ 40 tuổi bị té cây, trật khớp háng từ nhỏ. Chân trật khớp của bệnh nhân rút lại 6 cm khiến cô đi lại lệch lạc, rất khó khăn và đau đớn. Đó là một ca đặc biệt khó bởi sau khi thay khớp háng còn phải nới hệ thống gân, cơ đã co rút hơn 30 năm cho giãn ra để 2 chân bằng nhau. Ngoài kiến thức uyên thâm, kinh nghiệm dày dạn và đôi tay khéo léo, ông tiến sĩ y khoa đã quyết định mổ bằng trái tim luôn biết lắng nghe. Ông nhớ lại: “Lúc đó, cổ có ý định lập gia đình, sinh con, mong mỏi có thể đi lại được mà không đau để chăm sóc gia đình”. Rồi ông nở nụ cười mãn nguyện: “Giờ cô ấy đã lấy chồng, có con, đi lại 2 chân đồng đều như nhau. Đối với một người chữa bệnh, tôi thấy mình có giá trị vì đã thay đổi được cuộc sống theo ý nguyện của bệnh nhân”. Nhìn đôi mắt hấp háy niềm kiêu hãnh của ông, tôi phần nào hiểu được phần thưởng to lớn mà chỉ những ai khoác áo blouse trắng mới cảm nhận trọn vẹn.
Ca mổ cho cậu bé 14 tuổi Đỗ Trọng H. là một thành công vang dội khác của bác sĩ Phát khiến cộng đồng y khoa nể phục. Em H. bị dị dạng khớp gối bẩm sinh, không thể duỗi chân nên mất khả năng đi lại. Xương bánh chè của em trật hoàn toàn ra ngoài, khớp gối chày bán trật, gân bánh chè và một số dây chằng dính vào nhau, giãn dây chằng chéo trước, thiếu sàn sụn chêm ngoài khớp gối... Sau khi nhận những cái lắc đầu của nhiều bệnh viện khác nhau, cuối cùng gia đình H. đưa em đến Bệnh viện FV. Hội chẩn với các đồng nghiệp bên Úc, bác sĩ Phát nhận được lời khuyên cắt 2 chân em, lắp chân giả để em có thể đi lại. Gửi hồ sơ sang các giáo sư đầu ngành ở Đức, bác sĩ Phát cũng nhận được những ý kiến rất cẩn trọng bởi đây không chỉ là một ca cực khó mà còn là cực hiếm. Sau khi bàn bạc kỹ với gia đình em H. - cũng bằng trái tim đầy trắc ẩn, bác sĩ Phát đi đến một quyết định dũng cảm: mổ và giữ đôi chân của em H. Ông khéo léo bóc tách phần gân, cơ dính vào nhau, chuyển và định vị lại xương bánh chè rồi tỉ mỉ tái tạo phần sụn, nới cơ, gân, chuyển trục xương chày... Sau 3 tháng tập vật lý trị liệu, H. đã có thể đi lại trên chính đôi chân của mình, không cần chống nạng.
“Đôi chân của cả đời người”
Hỏi đùa bác sĩ Phát "sao liều thế?", tôi nhận được câu trả lời nhẹ nhàng: "Tôi đã phải suy nghĩ rất kỹ, rà soát lại bản thân toàn bộ xem khả năng, kinh nghiệm và kiến thức của mình có đáp ứng được không. Một khi đã biết rõ là “được”, tôi đã nghĩ tại sao mình không một lần nỗ lực hết sức để giữ lại đôi chân của em trước khi phải cắt bỏ? Đó là đôi chân của cả một đời người cơ mà!". Nhưng hẳn mọi chuyện không đơn giản đến thế. Còn danh tiếng, còn sự nghiệp đã cất công gầy dựng cả đời của một tiến sĩ và cả uy tín của một bệnh viện tiếng tăm nữa. Lắc đầu hay đoạn chi để lắp chân giả hẳn là giải pháp an toàn hơn cho bác sĩ, cho bệnh viện. Nhưng ông chưa bao giờ thôi áp dụng nguyên tắc tự đặt ra cho chính mình: "Trước bất kỳ ca mổ nào, tôi luôn hỏi bản thân 2 câu. Thứ nhất: Nếu ca này là cha mẹ, người thân của mình thì mình sẽ mổ như thế nào? Thứ hai: Nếu mình là bệnh nhân, mình sẽ mong được mổ ra sao?". Có lẽ vì thế, ông đã hiểu được tận cùng của nỗi đau mất chân mà ráng giữ nó lại dẫu phải đối mặt với khó khăn, áp lực lớn đến đâu.
Nguyên tắc riêng đó đã được lãnh đạo Bệnh viện FV ủng hộ hết mình, bởi nó tương thích hoàn toàn với nguyên tắc chung của bệnh viện: sự an toàn và chất lượng sống của bệnh nhân là trên hết.
Bình luận