Theo báo cáo của Bệnh viện (BV) Da liễu TPHCM, hơn 72% bệnh nhân nhập viện vì trúng độc da do thuốc không xác định được nguyên nhân cụ thể. Điều đáng nói là hơn 1/2 trong số này đã dùng nhiều loại thuốc một lúc, trong đó có những loại lạ; 1/2 còn lại chỉ dùng một loại nhưng hoàn toàn không biết đó là thuốc gì và cũng mù mờ về cách sử dụng.
Đến bệnh viện quá trễ
Bác sĩ Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng Khoa Lâm sàng 1 - BV Da liễu TPHCM, nêu ra một trong những trường hợp nặng nhất được ghi nhận. Đó là một cụ bà bị hội chứng Lyell do dị ứng thuốc Allopurinol trong quá trình điều trị bệnh gút.
|
Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân bị dị ứng da nổi mẩn đỏ, ngứa, viêm loét… nhưng do người nhà chủ quan nên mãi đến khi biến chứng quá nặng, chuyển sang hội chứng Lyell, toàn thân lở loét, bong tróc, tuột da nhiều vị trí thì mới vào bệnh viện. Bệnh nhân may mắn được cứu sống nhưng quá trình điều trị vô cùng vất vả.
Cách đây chưa lâu, một bệnh nhân nam cũng tử vong do hội chứng Lyell. Bệnh nhân sử dụng cotrim - một loại kháng sinh - để điều trị nhiễm trùng gây lở loét, được đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị.
Thuốc gì cũng cần thầy thuốc kê toa Bác sĩ Trần Thị Thanh Thủy lưu ý là thuốc đông y và thuốc nam xếp hàng thứ 3 trong số những loại thuốc gây trúng độc da, xếp sau thuốc điều trị bệnh gút và thuốc chống động kinh. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết bệnh nhân không đến khám tại các cơ sở chuyên khoa đông y mà tự mua theo các bài thuốc dân gian, truyền miệng. Nhiều người quan niệm sai lầm rằng thuốc đông y luôn “lành”, không có tác dụng phụ. Dù sử dụng thuốc gì thì bệnh nhân cũng nên đến khám tại cơ sở chuyên khoa để được ghi toa chính xác và theo dõi điều trị. |
Khổ vì tự làm bác sĩ
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung, Khoa Lâm sàng 1, nhấn mạnh: “Việc tự mua thuốc điều trị mà không có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chiếm đến 45,8% số bệnh nhân được khảo sát.
Điều này cho thấy ý thức sử dụng thuốc của nhiều người chưa cao, thiếu kiến thức, thông tin về sử dụng dược phẩm nói chung và trúng độc da do thuốc nói riêng. Nhiều loại thuốc được bán bừa bãi, không theo toa cũng làm tình trạng trúng độc da do thuốc gia tăng”.
Bác sĩ Thủy cho biết thêm là nhiều bệnh nhân bị trúng độc da sau khi tự mua thuốc để điều trị các bệnh rất thông thường như cảm cúm, đau răng… Nhân viên nhiều nhà thuốc tùy tiện kê toa, cho một lúc nhiều loại thuốc, thuốc được lấy ra khỏi vỉ và chia thành từng liều nên bệnh nhân cũng không biết mình đang dùng thuốc gì. Khi bệnh nhân vào bệnh viện thì đã dùng hết số thuốc đã mua lại không có toa hay vỉ thuốc để kiểm chứng nên rất khó xác định.
Tăng lạm dụng thuốc
Các chuyên gia da liễu cảnh báo tình hình trúng độc da do thuốc còn cao, nhiều ca biến chứng nặng là do lạm dụng thuốc có xu hướng tăng, bệnh nhân không tuân thủ quá trình điều trị được chỉ định; bác sĩ khi kê toa không dặn dò, không theo dõi quá trình điều trị; bệnh nhân không đến ngay bệnh viện khi các biểu hiện dị ứng da xuất hiện…
“Nếu đang điều trị bệnh bằng một loại thuốc nào đó mà xuất hiện các triệu chứng như sưng môi, sưng quanh mắt, da nổi mẩn đỏ, nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt… thì cần ngưng ngay và đến bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra” - bác sĩ Thủy khuyên.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)