Lấy đoạn huyết khối, cứu bệnh nhân bị bại liệt không phải mất tay

Duy Tính
Duy Tính
16/09/2018 20:29 GMT+7

Bệnh nhân bị bại liệt teo nhỏ hoàn toàn chân trái, đi bằng nạng chống chân trái, nếu bị cắt cụt tay trái sẽ bế tắc trong hoạt động, sinh hoạt cho bệnh nhân.

Ngày 16.9, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Tổng giám đốc Bệnh viện (BV) đa khoa Xuyên Á TP.HCM, cho biết BV vừa thực hiện phẫu thuật lấy một đoạn huyết khối dài bằng cánh tay bệnh nhân T.M.T (35 tuổi, ngụ An Giang).
Bệnh nhân T. bị tật phải đi bằng nạng chống chân trái. Bệnh nhân đến BV trong tình trạng tay trái tím, lạnh toàn bộ từ cánh tay trở ra đến đầu ngón tay, chỉ còn cảm giác nhẹ ở cánh tay, cẳng tay và hầu như mất hoàn toàn cảm giác ở bàn tay trái. Vận động bàn tay trái mất hoàn toàn. Có vài mảng tím đen ở mặt trước cẳng tay. Mạch tay trái hoàn toàn không bắt được.
Bệnh nhân cho biết các triệu chứng trên xuất hiện khoảng 2 tuần qua và nặng dần. Bệnh nhân đã đi điều trị tại một BV khác trước khi đến BV đa khoa Xuyên Á.
Hình ảnh chụp CT Scanner động mạch chủ ngực và tay trái loại trừ bệnh lý cấp của động mạch chủ ngực (bóc tách) và cho thấy tắc động mạch tay trái ngay đầu động mạch nách, hoàn toàn không thấy tuần hoàn.
Theo bác sĩ, đây là bối cảnh lâm sàng khá điển hình của một trường hợp tắc mạch cấp tay trái nhưng đến quá muộn. Nguyên nhân có thể do chấn thương mạch nách lặp đi lặp lại do nạng chống chân trái.   
Về lý thuyết, khi bệnh nhân đến quá muộn, đặc biệt khi có giảm hoặc mất vận động và cảm giác chi thể thì có chỉ định cắt cụt chi. Tuy nhiên, bệnh nhân T. lại bị bại liệt teo nhỏ hoàn toàn chân trái, đi bằng nạng chống chân trái, nếu cắt cụt tay trái sẽ là bế tắc cho bệnh nhân trong vận động và sinh hoạt về sau.
BV đã mời gia đình bệnh nhân đến tư vấn, giải thích mọi nguy cơ, lợi hại, thiệt hơn có thể xảy ra nếu cố gắng phẫu thuật giữ tay trái, đặc biệt là các biến chứng như chèn ép khoang, loạn nhịp tim (do tăng kali máu), suy thận cấp (do tắc ống thận), cắt cụt chi và tử vong.
Qua phẫu thuật cấp cứu, các bác sĩ lấy bỏ toàn bộ huyết khối tắc động mạch tay trái (từ động mạch nách đến các động mạch cẳng tay), tái lập lưu thông động mạch tay trái cho bệnh nhân. Bệnh nhân được theo dõi sát trong phòng hồi sức tim mạch, điều trị chống đông, chống toan máu, lợi niệu tích cực, theo dõi sát chức năng thận, kali máu, biến chứng chèn ép khoang, cũng như thể tích nước tiểu hằng giờ.
Hiện tại, bệnh nhân phục hồi lưu thông động mạch tay trái thuận lợi, mạch tay trái rõ, chức năng thận duy trì tốt, không có tăng kali máu, tay trái hồng ấm dần đến các ngón tay, và đặc biệt cảm giác và vận động bàn ngón tay phục hồi gần hoàn toàn sau mổ 3 ngày. Không có biến chứng chèn ép khoang.
Bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tích cực và theo dõi sát. Tiên lượng phục hồi tốt.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thúc Khang, Trưởng Khoa phẫu thuật tim mạch - lồng BV đa khoa Xuyên Á, khuyến cáo người bệnh và nhân viên y tế ở những tuyến không có chuyên khoa phẫu thuật mạch máu cần cảnh giác những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện tắc mạch cấp ở tay, chân... (đau, lạnh, tím, khám thấy mất mạch) thì cần phải được đưa ngay đến những BV có chuyên khoa phẫu thuật mạch máu để mong giữ được chi thể.
Thông thường, nếu bệnh nhân đến trước 6-8 giờ từ khi xuất hiện triệu chứng thì tỷ lệ phẫu thuật giữ được chi thể đạt rất cao. Ngược lại, khi bệnh nhân đến quá muộn thì chỉ định hầu như là cắt cụt chi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.