Mất thị lực là tình trạng nhìn mờ, một triệu chứng khá phổ biến. Rất nhiều bệnh lý dẫn đến mất thị lực và mù nếu không điều trị kịp thời. Người bị đục thủy tinh thể đến khám mắt sẽ dễ dàng được chẩn đoán. Bệnh nhân có tật khúc xạ sẽ nhanh chóng được phát hiện bằng các phương pháp đo khúc xạ chủ quan và khách quan. Nhưng có những trường hợp khó lý giải nguyên nhân gây mờ mắt. Trong nhãn khoa gọi đó là nhóm bệnh lý “Mất thị lực khó giải thích”.
Mọi lứa tuổi hoặc giới tính đều có thể mắc bệnh này. Khoa Thần kinh nhãn khoa và Tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Mắt TP.HCM đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp như thế. Một trường hợp điển hình là bệnh nhân nữ, 40 tuổi, than phiền hai mắt nhìn mờ gần 6 tháng nay. Qua thăm khám thị lực sụt giảm trầm trọng (còn 1/10). Các biểu hiện lâm sàng không tìm thấy dấu hiệu tổn thương của nhãn cầu. Những xét nghiệm hỗ trợ cho chẩn đoán chưa phát hiện bất thường ở mắt. Nguyên nhân gây tổn hại thị lực được nghĩ đến thuộc phần sau của nhãn cầu hay còn gọi là đường dẫn truyền thị giác. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) phát hiện một khối u vùng bắt chéo của thị thần kinh đoạn trong sọ não. Bệnh nhân được chuyên khoa Ngoại thần kinh phẫu thuật lấy u ngay sau đó. Tái khám sau mổ cho thấy thị lực người bệnh phục hồi rất tốt (8/10).
Nhiều bệnh nhân khác vẫn còn trẻ tuổi, nam hoặc nữ đến khám vì thị lực suy giảm hay mù đột ngột một hoặc cả hai mắt. Tâm trạng bệnh nhân rất hoang mang và lo sợ. Khi khám lâm sàng, bác sĩ nhãn khoa chỉ ghi nhận được duy nhất bất thường của phản xạ đồng tử. Đây có thể là biểu hiện của bệnh lý thần kinh thị hậu cầu hoặc của đường dẫn truyền thị giác. Trên lâm sàng thường gặp là bệnh viêm thần kinh thị hậu cầu. Bệnh này có thể gây mù mắt và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh nhân cần đến khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các tổn thương của đường dẫn truyền thị giác gây giảm thị lực cấp tính rất đa dạng. Chúng có thể xảy ra sau đột quỵ, thiếu ô xy não, ngộ độc, chấn thương não, viêm não, viêm màng não... Các tổn thương này gây khó khăn trong chẩn đoán vì trên hình ảnh cận lâm sàng chỉ cho thấy sang thương rất nhỏ hoặc thậm chí không thấy sang thương. Ngoài ra còn phải kể đến một số tổn thương của thần kinh thị do di truyền như bệnh Leber, do u chèn ép thần kinh thị, ngộ độc thần kinh thị, thoái hóa thần kinh thị... Tần suất các bệnh này tương đối ít gặp, tuy nhiên tiên lượng trong điều trị để cải thiện thị lực là kém.
Trên thực tế còn có thể gặp những trường hợp giảm thị lực cấp tính mà không tìm thấy bất kỳ tổn thương nào của mắt hoặc đường dẫn truyền thị giác. Người ta còn gọi là giảm thị lực chức năng. Bệnh có thể tự hồi phục mà không cần điều trị đặc hiệu.
Tóm lại, mất thị lực là triệu chứng quan trọng gây ảnh hưởng cho bệnh nhân về chức năng thị giác cũng như tâm lý lo âu. Chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Người bệnh cần được khám chuyên khoa mắt và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ nhãn khoa sẽ tư vấn về kế hoạch điều trị nhằm mang lại thị lực cao nhất.
BS Dương Công Hinh
(Bệnh viện Mắt TP.HCM)
>> Khám mắt miễn phí
>> Khám mắt và tư vấn miễn phí cho trẻ em
>> Khám mắt và tặng kính
>> Nên khám mắt thường xuyên
Bình luận (0)