Một số vấn đề về chế độ ăn ở bệnh nhân loét đường tiêu hóa

28/02/2006 09:08 GMT+7

Loét đường tiêu hóa nói chung (loét thực quản, dạ dày, tá tràng, đại tràng…) có nhiều nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh, song chế độ ăn cũng là một yếu tố góp phần ảnh hưởng rất lớn tới quá trình tiến triển và lành bệnh. Người bị bệnh tiêu hóa nên tránh các thức ăn kích thích và gây tổn thương cho niêm mạc đường tiêu hóa, làm chậm lành vết loét như rau cần, hẹ, dưa cải, măng tre hoặc những thức ăn giàu chất sợi thô.

Người mắc bệnh viêm loét đường tiêu hóa nói chung nên lưu ý một số điểm sau trong chế độ ăn:

- Không uống rượu mạnh, cà phê, trà đặc hay hút thuốc lá... Những chất này kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit gây đau và làm khó lành vết thương.

- Tránh các thức ăn dễ sinh axit như canh thịt đậm đặc, củ đậu khoai lang, đường, giấm...

- Tránh những thực phẩm sinh hơi như hành, tỏi sống, củ cải sống, hành tây...

- Tránh các thực phẩm khó tiêu như những đồ quay, rán hay thức ăn cứng rắn.
 
- Không nên quá lạm dụng thực phẩm muối như dưa cải, dưa góp, hành muối, nộm (gỏi)...

- Cần hạn chế hoặc không nên ăn các thức ăn có nhiều gia vị như tiêu, ớt, dầu cải, tương ớt.

- Không được dùng những thứ thuốc làm tổn thương niêm mạc dạ dày như aspirin, corticoid,...

Người mắc bệnh viêm loét đường tiêu hóa cần chọn các loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao nhưng mềm, dễ tiêu như sữa, đậu, trứng gà, cá, thịt nạc, các loại rau tươi và nên chế biến ở dạng luộc, hấp, nhúng hay ninh hầm. Đồng thời nên chia các bữa ăn hợp lý, có thể ăn thành nhiều bữa, đúng giờ để bảo đảm cân đối về nhu cầu dinh dưỡng mà không gây hại cho dạ dày...

Ở giai đoạn đau cấp, cần ăn chế độ lỏng trong vài ngày khi đỡ đau chuyển sang ăn chế độ mềm như cháo, súp kèm theo chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức làm căng thẳng thần kinh hoặc stress dễ gây tăng tiết axit ở dạ dày làm chậm tiến trình lành vết loét.

BS Bạch Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.