Ngủ đêm thức dậy, bỗng dưng bị… điếc

20/04/2017 14:15 GMT+7

Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM) tiếp nhận nhập viện 80-90 ca bệnh nhân bị điếc đột ngột. Người bệnh đột nhiên bị điếc một bên tai trong khi trước đó thính lực rất tốt.

Mất tiền, điếc tai
Ông N.B.M. (53 tuổi, ngụ TP.HCM) đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM với tâm trạng đầy lo lắng.
Ông cho biết, sáng thức dậy tự dưng một bên tai ù đặc, không nghe được gì, trong khi ngày hôm trước, thính lực vẫn rất tốt.
Bác sĩ hỏi: Gần đây ông có mắc bệnh hay bị tai nạn gì không, có biến cố gì không? Ông kể ông không bị bệnh hay tai nạn gì, chỉ “vừa mới biết mất gần 5 tỉ đồng vì bị lừa”. Việc bị mất một số tiền lớn khiến ông M. căng thẳng cả ngày qua và dẫn đến việc điếc đột ngột.
Ngồi chờ tới lượt đo thính lực, chị T.T.N. (39 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết: “Sáng ngủ thức dậy, tôi thấy bên tai trái ù ù. Ban đầu tôi tưởng do mình mới ngủ dậy, mệt, đầu óc còn lơ mơ. Tuy nhiên, sau khi vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong, tai vẫn cứ ù và tôi chẳng nghe được gì từ phía bên tai trái cả hai ngày nay. Thấy lạ, tôi mới đến đây khám”.
Chị N. cho biết, chị làm việc quản lý tại một công ty tư vấn pháp lý nước ngoài, áp lực công việc cao, gần đây công việc lại đang có nhiều căng thẳng hơn.
Cả ông M. và chị N. đều được chẩn đoán bị điếc đột ngột và phải nhập viện điều trị.
Cẩn thận, căng quá hóa… điếc
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Khưu Minh Thái, Phó trưởng khoa Tai Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM: Điếc đột ngột là tình trạng bệnh nghe kém đột ngột một hay cả hai bên tai (thường xảy ra ở một bên tai nhiều hơn). Người bệnh đột nhiên có dấu hiệu ù tai (cảm giác tai có tiếng ù như ve kêu, tiếng xay lúa, còi tàu, rì rào,…), chóng mặt, cảm giác đầy tai.
“Qua thăm khám, bệnh nhân điếc đột ngột bị thiếu máu vùng tai trong. Tuy nhiên, 90% các trường hợp không rõ nguyên nhân cụ thể vì sao dẫn đến tình trạng này. Các bác sĩ chỉ có thể ghi nhận nguy cơ có thể dẫn đến điếc đột ngột là làm việc căng thẳng, sốc, lo âu quá mức,…”, bác sĩ Thái nhận định.
Bệnh nhân được đo thính lực Nguyên Mi
Theo bác sĩ Thái, bệnh lý có thể xảy ra với mọi người. Độ tuổi thường gặp nhất là 20-50 tuổi (những người trong tuổi lao động). “Tuy nhiên, hiện nay, bệnh đã xảy ra nhiều hơn ở lứa tuổi nhỏ hơn và cả những người lớn hơn 50 tuổi. Số trường hợp nhập viện do điếc đột ngột ngày càng tăng”, bác sĩ Thái đánh giá.
Hiện tại, trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM) tiếp nhận nhập viện 80-90 ca bệnh nhân bị điếc đột ngột.
Bệnh nhân điếc đột ngột có khả năng điều trị phục hồi được thính lực nếu phát hiện và điều trị sớm. Ghi nhận của Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, bệnh nhân đến sớm trong vòng 3 ngày thì hiệu quả điều trị đạt trên 60-70%. Tuy nhiên, sau điều trị, để phòng tránh tái phát, bệnh nhân cần tránh lo âu, căng thẳng.
Theo bác sĩ Thái, nhiều trường hợp người bệnh không để ý thính lực kém một bên tai, không nghĩ mình bị điếc đột ngột nên khi đến khám đã ở trong tình trạng nặng. Bệnh nhân đến trễ, việc điều trị sẽ không hiệu quả.
“Đối với trẻ em, cha mẹ cũng cần chú ý kiểm tra thính lực của con nếu thấy: kết quả học tập của trẻ sa sút, khi coi ti vi ngồi gần hơn thường ngày hoặc mở âm thanh lớn hơn, phải gọi lớn hơn trẻ mới nghe”, bác sĩ Thái lưu ý thêm.
Để tránh nguy cơ điếc đột ngột, bác sĩ khuyên mọi người nên làm việc, sinh hoạt điều độ; tránh làm việc căng thẳng, lo âu; thư giãn hợp lý.
Khi có bất thường ở tai nên đến bệnh viện chuyên khoa khám sớm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.