Ngừa biến chứng nguy hiểm do thủy đậu

Liên Châu
Liên Châu
31/03/2018 05:02 GMT+7

Bệnh thủy đậu được cảnh báo “vào mùa” với số trẻ mắc gia tăng. Tuy là bệnh lành tính nhưng vẫn có thể biến chứng dẫn đến tử vong.

Mắc thủy đậu trước tuổi tiêm chủng
Tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội) đã có 40 trẻ mắc thủy đậu bị biến chứng nhập viện trong các tuần gần đây. Một số trẻ mắc thủy đậu chỉ 4 - 6 tháng tuổi, trong khi vắc xin này hiện có chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi.
TS-BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi T.Ư, cho biết vi rút gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), trẻ dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi, nhảy mũi. Ngoài ra, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh.
Khởi phát bệnh, trẻ có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ (nhưng một số trường hợp không có triệu chứng báo trước), sau đó xuất hiện những “nốt rạ” (nốt tròn nhỏ tiến triển thành mụn nước, bóng nước). Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hoặc rải rác trên cơ thể. Trong trường hợp bình thường, những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 - 5 ngày.
Phòng biến chứng nguy hiểm
Theo bác sĩ Lâm, thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Đáng lưu ý, viêm phổi do thủy đậu, ít khi xảy ra nhưng rất nặng và rất khó trị. Ngoài ra, viêm não do thủy đậu cũng có thể gặp với biểu hiện: sau thủy đậu trẻ bỗng trở nên vật vã, kích thích, nhiều khi kèm theo co giật, hôn mê. Những trường hợp này có thể mang di chứng thần kinh lâu dài: bị điếc, chậm phát triển, động kinh…
Là bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu cần được cách ly (7 - 10 ngày, đến khi các nốt phỏng khô vảy hoàn toàn) trong phòng riêng, thoáng, có ánh sáng mặt trời; cho trẻ mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt phải đảm bảo vệ sinh da cho trẻ (thay quần áo và tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm sạch). Lưu ý, tránh làm vỡ các nốt thủy đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo lâu dài. Trẻ cần được sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, ly cốc…
Bác sĩ Lâm hướng dẫn: Nên cắt móng tay cho trẻ, giữ tay trẻ sạch hoặc dùng bao tay vải mỏng thoáng để tránh biến chứng nhiễm trùng da do gãi gây trầy xước các nốt phỏng. Vệ sinh mũi họng hằng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% và dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
“Phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Nếu không may bị nhiễm bệnh, sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai. Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh”, bác sĩ đặc biệt lưu ý.
Phòng bệnh thủy đậu
Mặc dù bệnh có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhưng hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vắc xin.
Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi - 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 - 6 tuổi, để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thủy đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm phòng. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.
Trẻ mắc thủy đậu sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường; dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng (có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh nốt). Việc dùng thuốc phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân mệt mỏi, lừ đừ, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ, cần đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
TS-BS Nguyễn Văn Lâm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.