Người mắc bệnh nào không nên xem World Cup?

Duy Tính
Duy Tính
18/06/2018 00:09 GMT+7

Những trận cầu nảy lửa có phần kịch tính có thể khiến cho một số người xem bỗng 'lăn đùng' ra đi cấp cứu.

World Cup 2018 đã trải qua 4 ngày với 10 trận đấu (tính đến sáng 17.6). Đáng nhớ nhất là trận rượt đuổi tỉ số giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha và trong trận đấu ấy, cầu thủ số 7 của tuyển Bồ Đào Nha Ronaldo đã làm cho người hâm mộ đội bóng Tây Ban Nha nhiều lần thót tim khi một mình ghi 3 bàn cho đội mình.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lê Sơn - ẢNH: DUY TÍNH

Và trong trận cầu tối 16.6, nhiều người hâm mộ đội tuyển Argentina, từ vui sướng khi đội được hưởng quả phạt đền ở phút 64, nhưng rồi bỗng vỡ òa thất vọng khi chính tiền đạo số 1 thế giới Messi đã không đánh bại được thủ thành Halldorsson của tuyển Iceland. Tỉ số chung cuộc của trận đấu là 1-1. Nhiều người hâm mộ Messi tiu nghỉu đi ngủ.
Những trận cầu nảy lửa có phần kịch tính có thể khiến cho một số người xem bỗng “lăn đùng” ra đi cấp cứu không? Làm sao nhận biết được các dấu hiệu cơ thể thay đổi khi đang xem đá bóng và làm sao hạn chế được việc này? Phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Khắc Lê Sơn (Khoa Tim mạch rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM).
Thưa bác sĩ, người ta vẫn thường khuyên nhau “yếu đừng ra gió" hoặc “yếu tim không nên xem đá bóng”, đặc biệt là World Cup. Vì sao vậy?
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lê Sơn: Đúng vậy. Người mắc bệnh tim mạch dễ bị nhồi máu cơ tim, đột tử khi xem bóng đá. Đặc biệt là trong những trận cầu kích tính, được định đoạt bằng kết quả sút penalty. Và khoa học đã chứng minh điều này. Các nhà khoa học nhận thấy khi Hà Lan thua Pháp trong tại Euro 96 bằng loạt sút penalty thì tỉ lệ nam giới tử vong do nhồi máu cơ tim và đột quỵ tăng hơn 50%.
Lý do là sự căng thẳng trong loạt sút luân lưu gây ra stress quá mức, nồng độ catecholamin trong máu tăng cao, chất này làm gia tăng huyết áp và kích thích gia tăng tần số tim. Điều này làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Ngoài ra, việc uống nhiều rượu, ăn quá nhiều thức ăn và hút thuốc nhiều khi xem các trận đấu cũng góp phần làm xấu thêm tình trạng tim mạch.
Bệnh viện Chợ Rẫy có gặp trường hợp nào xem đá bóng nhập viện do vui buồn quá mức chưa?
Tôi nhớ 4 năm trước có một trường hợp bệnh nhân nam khoảng 50 tuổi ở Tiền Giang. Bệnh nhân đau lòng quá nên lên cơn đau tim cũng vì đội tuyển mình hâm mộ bị thua.
Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Tiền Giang, sau đó được chuyển lên Chợ Rẫy. Chẩn đoán là nhồi máu cơ tim cấp vùng hoành thất phải giờ thứ 6 biến chứng block nhĩ thất độ 3.
May mắn là còn trong giờ vàng, bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu và thông tim can thiệp. Sau 5 ngày nhịp tim hồi phục hoàn toàn. Chức năng tim tốt nên bệnh nhân được rút máy tạo nhịp cho xuất viện.
Vậy xin bác sĩ cho biết bệnh nhân tim mạch có nên xem đá bóng?
Đương nhiên khi xem đá bóng bệnh nhân tim mạch sẽ gặp nguy cơ cao hơn. Nhưng nếu không cho bệnh nhân “ghiền” đá bóng xem Wold Cup có thể là thiệt thòi cho họ vì 4 năm mới có một lần. Lời khuyên trong tình huống này là có thể xem nhưng phải hết sức thận trọng. Còn các bệnh nhân tiền sử suy tim nặng, bệnh mạch vành nặng, các tình trạng tim mạch chưa kiểm soát được thì không nên coi.
Thận trọng như bác sĩ nói là gì?
Các bệnh nhân tim mạch cần lưu ý không được buồn vui quá mức. Điều quan trọng là phải biết tránh phản ứng quá mức và chấp nhận kết quả trận đấu. Sự chấp nhận giúp cho cảm xúc mau dịu đi. Để cân bằng cảm xúc, chúng ta có thể áp dụng một số cách như hít một hơi sâu hoặc tập một số tư thế yoga, tập thiền định...
Vậy dấu hiệu nào cho biết bệnh nhân vui buồn quá mức mà bản thân họ có thể nhận ra và người bên cạnh có thể phát hiện?
Một số dấu hiệu nặng cần phải cấp cứu: đau ngực, nặng ngực, khó thở, yếu nửa người, tê bì tay chân, không nói được... Đây là các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ. Tỉ lệ lên cơn đau tim do xem bóng đá nói chung là rất thấp nhưng không phải là không có.
Xin cảm ơn bác sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.