Nhận biết sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ

12/10/2019 12:44 GMT+7

Những dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết (SXH) tương tự với sốt vi rút thông thường, cần lưu ý nhận biết để trẻ được điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm nhi, một số triệu chứng liên quan SXH: trẻ sốt cao đột ngột (trước đó khỏe mạnh), đau đầu, đau nhức mình mẩy, đau hốc mắt, đau khớp (trẻ lớn), buồn nôn, mệt mỏi. Trẻ có xuất huyết dưới da như: chấm xuất huyết li ti, mảng xuất huyết và thường xảy ra ở cổ chân, mặt trong cẳng tay, ở vùng cổ. Hiện đang là cao điểm SXH, khi trẻ sốt trên 2 ngày cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ khám, xét nghiệm máu, chẩn đoán bệnh.
Nếu trẻ SXH giai đoạn nhẹ, theo dõi tại nhà, phụ huynh cần chăm sóc, theo dõi trẻ sốt theo hướng dẫn: uống nhiều nước, dinh dưỡng hợp lý, tái khám đúng theo hẹn của bác sĩ. Trẻ dùng thuốc paracetamol hạ sốt đúng liều theo cân nặng, tránh dùng liều cao (> 15 mg/kg/lần) và khoảng cách giữa 2 liều thuốc hạ sốt ít nhất 4-6 giờ. Khoảng cách giữa các lần dùng thuốc hạ sốt gần nhau (dưới 4 giờ) làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu có dấu hiệu cảnh báo SXH nặng, như: đau bụng, bứt rứt lăn lộn, chảy máu cam, cháy máu răng, tay chân lạnh, mệt li bì không chơi; ói ra máu, đi cầu phân đen. SXH nặng có thể biểu hiện sốc với mạch nhẹ, khó bắt, tay chân lạnh, tiểu ít... hoặc biểu hiện rối loạn tri giác, co giật, gan to, suy hô hấp.
Phòng bệnh SXH cho trẻ bằng cách ngừa bị muỗi đốt. Cho trẻ bôi kem xua muỗi, nằm màn, mặc quần áo dài tay…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.