Nhận biết trẻ hiếu động và tăng động giảm chú ý

10/05/2019 07:36 GMT+7

Lúng túng trong nhận biết trẻ bị “ tăng động giảm chú ý ” khiến cho tình trạng này sẽ “theo đuổi” trẻ lâu dài, ảnh hưởng đến học tập.

 

Tăng động hay hiếu động ?

Bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng Phòng tâm thần nhi, Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho biết một nghiên cứu trên hơn 1.300 trẻ ở Việt Nam ghi nhận khoảng 5% có vấn đề về tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ còn mơ hồ về việc con trẻ bị tăng động giảm chú ý, và hầu hết các trường hợp tăng động giảm chú ý được phát hiện bởi thầy cô giáo.
Bác sĩ Thiện cho rằng, khá nhiều cha mẹ nhầm tưởng con bị tăng động giảm chú ý là trẻ hiếu động. Do đó, cần phân biệt hiếu động là trẻ hoạt động nhiều, có mục đích và vẫn có thể tập trung công việc trong một thời gian nhất định, không ảnh hưởng đến hoạt động chung, các kết quả học tập đều hoàn thành; còn tăng động là tình trạng trẻ hoạt động, vận động liên tục (chạy nhảy, leo trèo, nghịch ngợm) và đặc biệt là giảm chú ý, không tiếp nhận được sự hướng dẫn dạy dỗ và thường có biểu hiện quá mức tình trạng không tập trung, hoạt động không kiểm soát.
Bác sĩ cũng lưu ý, có thể quan sát thấy trẻ tăng động khó khăn trong việc tổ chức sắp xếp công việc; thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập; khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu từ người khác; luôn gặp khó khăn khi phải chờ đợi (ví dụ chờ xếp hàng đến lượt); trẻ cũng dễ bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài nên dễ dàng bỏ dở ngay công việc, thiếu kiên trì khi tham gia các công việc đòi hỏi sự nhận thức; thường có hoạt động quá đáng thiếu sự tổ chức.
Các thiếu sót đó kéo dài trong suốt quá trình đi học và tiếp diễn khi đã ở tuổi thành niên. Tăng động giảm chú ý quá mức khiến trẻ gặp khó khăn khi học tập, các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và ngay với người thân trong gia đình.

Điều trị lâu dài

Tại Viện Sức khỏe tâm thần ngày nào cũng tiếp nhận các trẻ được gia đình đưa đến khám do có nghi ngờ con em mình bị tăng động, và số đến khám ngày càng nhiều, nhưng các bác sĩ chưa khẳng định gia tăng tỷ lệ trẻ mắc bệnh này, mà có thể do gia đình gần đây có thêm kiến thức nên nhận biết và đưa con em đến khám, trong khi trước đây các trẻ mắc lại chưa được biết nhiều.
Các bác sĩ cho biết, trẻ tăng động tuân thủ điều trị hoàn toàn có thể đạt được kết quả tốt trong học tập Ảnh Nam Sơn
Các nghiên cứu cho thấy, trẻ mắc tăng động giảm chú ý ngoài yếu tố sinh học (di truyền), nội tiết, thay đổi cấu trúc não, tổn thương não, còn có yếu tố môi trường. Ví dụ như thực phẩm có phụ gia gây rối loạn cho hệ thần kinh T.Ư, nhiễm độc chì, nicotin hoặc lạm dụng rượu hay ma túy khi mang thai.
Theo các bác sĩ, hầu hết các trẻ bị tăng động giảm chú ý điều trị ngoại trị, được chỉ định dùng thuốc và các can thiệp tâm lý. Để đạt hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị lâu dài, dùng thuốc ít nhất 12 tháng, tái khám theo hẹn.
“Bệnh nhân lâu năm nhất tại Viện đã điều trị 8 năm, hiện đã 16 tuổi. Từ một trẻ tăng động, nghịch ngợm, học tập rất hạn chế, hiện sức học của cháu rất tốt và gia đình đang lên kế hoạch cho cháu đi du học”, TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần T.Ư, bày tỏ. 
Tuy nhiên, theo TS Phương, bệnh viện hiện đang băn khoăn vì hiện nay chi phí điều trị hiện khoảng 1,8 triệu đồng tiền thuốc/tháng, nhưng thuốc chưa được bảo hiểm y tế thanh toán là trở ngại với bệnh nhân cần điều trị lâu dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.