Nhận biết và phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

20/08/2018 11:29 GMT+7

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh có tắc nghẽn đường thở kéo dài không hồi phục hoàn toàn khiến người bị COPD sẽ mang bệnh suốt đời.

Tuy nhiên, các chuyên gia hô hấp cho biết về có thể tránh mắc bệnh, những người đã mắc bệnh khi được tư vấn và điều trị đầy đủ sẽ có cuộc sống tốt hơn, bệnh tiến triển chậm hơn.
Thứ hạng cao trong 10 bệnh thường gặp
COPD là bệnh thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh được xếp hàng thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong. Dự báo đến năm 2020 bệnh sẽ đứng hàng thứ 5 trong gánh nặng bệnh tật toàn cầu. COPD đang đứng hàng thứ 6 trong 10 bệnh thường gặp nhất, tuy nhiên, trong thời gian tới, trong khi tất cả các nguyên nhân khác đều có tỷ lệ tử vong giảm dần thì COPD cùng với tai nạn giao thông và ung thư được dựa báo là 3 nguyên nhân có tỷ lệ tử vong gia tăng và đến năm 2020 tỷ lệ tử vong do COPD đứng hàng thứ 3 trong tất cả các nguyên nhân gây tử vong.
Ở VN một số nghiên cứu từ những năm trước cho thấy tỷ lệ mắc COPD chung cho cả hai giới là 4,2%. Tỷ lệ mắc COPD trong dân cư thành phố Hà Nội khoảng 2%, ở Hải Phòng khoảng 5%. Trong một số đơn vị điều trị COPD cũng là bệnh lý chiếm tỷ lệ cao nhất tại các khoa bệnh phổi. Tại Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân mắc COPD chiếm khoảng ¼ số bệnh nhân điều trị.
Tổn thương phổi trong bệnh COPD ban đầu chủ yếu tập trung ở các nhánh phế quản nhỏ có đường kính nhỏ hơn 2 mm, và nhu mô phổi. Ở giai đoạn nặng, bệnh không chỉ gây tổn thương ở phổi và phế quản mà còn gây tổn thương trên tất cả các cơ quan, bộ phận của cơ thể như ở tim, cơ, xương, tâm thần….
Những nguy cơ gây mắc COPD
Ai cũng có thể mắc bệnh COPD, tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh tăng lên nhiều lần ở những người có các yếu tố tố từ môi trường: hút hoặc hít phải khói thuốc lá, thuốc lào (chiếm hơn 90% các trường hợp mắc. Khoảng 20 - 30% số người hút từ trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của bệnh COPD), khí thải, khí độc công nghiệp. Hoặc bản thân có các thiếu hụt, khuyết tật về gen như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin.
Bệnh COPD do tiếp xúc bụi nghề nghiệp gặp ở khoảng 10% các trường hợp. Thợ mỏ, công nhân làm việc tại các xưởng đúc, xưởng luyện kim, công nhân xây dựng, thợ dệt, nông dân… là những người phơi nhiễm thường xuyên với các yếu tố kích thích phế quản (khí độc, xi măng, các sản phẩm của than đá, bụi silic và các chất kích thích sử dụng trong nông nghiệp) có nguy cơ cao bị mắc COPD.
Ô nhiễm đô thị và ô nhiễm trong nhà không phải là các nguyên nhân trực tiếp nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bệnh.
Phòng và kiểm soát COPD
COPD là bệnh không chữa khỏi hoàn toàn và tiến triển nặng dần nhưng việc điều trị sẽ giúp làm chậm lại tốc độ tiến triển nặng lên thông qua việc dùng thuốc đúng cách và đầy đủ, tránh tiếp xúc với tất cả các yếu tố nguy cơ đặc biệt là khói thuốc lá, thuốc lào, cần tránh cả hít phải khói thuốc do người khác hút rồi thải ra (hút thuốc thụ động).
Nếu bệnh nhân COPD vẫn tiếp tục hút thuốc, vẫn hít phải khói thuốc, tiếp tục hít phải khói bếp than… sẽ khiến niêm mạc đường thở thường xuyên bị kích thích, bị viêm, phù nề ngày càng nhiều, dịch nhầy tiết ra ngày càng nhiều, cơ trơn phế quản bị co thắt thường xuyên khiến bệnh ngày càng nặng thêm, thường xuyên ho cơn, khó thở… lâu ngày, lồng ngực bị ứ khí thường xuyên và trở nên căng phồng.
Yếu tố và triệu chứng mắc COPD:
- Người trên 40 tuổi hút thuốc lá, thuốc lào > 10 năm;
- Trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm;
- Tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp;
- Khó thở nặng dần theo thời gian;
- Ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm;
- Thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.