Nhận thức và hành động trước tình trạng đề kháng kháng sinh

20/12/2017 10:20 GMT+7

Nghiên cứu về đề kháng kháng sinh (SOAR) tạo ra cơ sở dữ liệu giám sát kháng sinh hiệu quả, góp phần đưa ra kim chỉ nam sử dụng kháng sinh hợp lý trong điều trị và kê toa.

Việt Nam tham gia SOAR giai đoạn 2015-2017 với 2 trung tâm giám sát.
Tỷ lệ kháng kháng sinh gia tăng là mối hiểm họa đối với các liệu pháp điều trị bằng kháng sinh. Cụ thể, một trong những bệnh nhiễm khuẩn hô hấp nguy hiểm hàng đầu tại Việt Nam là bệnh lao đang phải đối mặt với tình trạng kháng thuốc ngày càng nghiêm trọng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong bối cảnh một số kháng sinh thuộc nhóm “lựa chọn cuối cùng” đang mất dần hiệu lực, thì công tác nghiên cứu và phát triển kháng sinh mới vẫn chưa có đột phá mới. Đơn cử bệnh lao phổi, cần đầu tư hơn 800 triệu đô la Mỹ mỗi năm để nghiên cứu kháng sinh mới điều trị căn bệnh này, nhưng trong vòng 50 năm qua chỉ có hai kháng sinh mới được phát triển và vẫn còn đang ở giai đoạn thử nghiệm. Tình trạng thuốc cũ đã lờn, thuốc mới chưa có khiến việc điều trị ngày càng khó khăn hơn.
Việt Nam không nằm ngoài “cuộc chiến” chống đề kháng kháng sinh
Năm 2013, Việt Nam đã thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia về đề kháng kháng sinh, và là quốc gia đầu tiên trong Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO thực hiện điều này. Việt Nam cũng là một trong những nước tham gia Khảo sát đề kháng kháng sinh (SOAR) - chương trình đa quốc gia của GSK nghiên cứu cắt dọc độ nhạy cảm của các vi khuẩn đối với kháng sinh tiến hành giai đoạn 2009-2011 và mới đây là khảo sát năm 2015-2017.
SOAR tập trung thử nghiệm hai nhóm chủng gây bệnh chính liên quan đến nhiễm khuẩn đường hô hấp: S.pneumoniaeH.influenzae, trong bối cảnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới là nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong trong các bệnh nhiễm khuẩn trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Nghiên cứu mới nhất do WHO tiến hành tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm trong vòng 5 năm gần đây tăng khá cao trong đó đáng chú ý là những ca hô hấp cấp tính nặng.
Việc khảo sát định kỳ về hiệu quả của kháng sinh trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trong khuôn khổ SOAR sẽ góp phần để đưa ra các phác đồ điều trị mới có hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao ý thức của giới y tế và khuyến khích sự tuân thủ tốt hơn với các nguyên tắc chỉ định/sử dụng kháng sinh hợp lý trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và cộng đồng.
Tích cực nâng cao nhận thức cộng đồng về đề kháng kháng sinh
Chúng ta chưa có nền tảng nghiên cứu kháng sinh mới nên cần đặt ưu tiên bảo tồn hiệu quả những kháng sinh hiện hành thông qua việc thay đổi nhận thức của cộng đồng.
Từ những kết quả của SOAR, VPĐD GlaxoSmithKline tại TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp cùng Hội Hô hấp TP.HCM thực hiện chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng về phòng chống đề kháng kháng sinh thông qua các hội nghị chuyên môn, chương trình tập huấn nâng cao kiến thức/kinh nghiệm thực hành cho các nhân viên y tế cũng như kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện các nguyên tắc sử dụng kháng sinh hợp lý.
Khảo sát của WHO cho thấy 74% người Việt Nam được hỏi đồng ý với ý kiến đề kháng kháng kháng sinh đang là hiểm họa nghiêm trọng toàn cầu.
Mặt khác, hiện tượng kháng thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở bất kỳ nhóm tuổi nào, tại bất kỳ quốc gia nào, nên việc mỗi cá nhân chủ động tham gia các cam kết chung, các chương trình toàn cầu là bước đi cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.