Nhiễm độc chì và thủy ngân: Nguy cơ tiềm ẩn tại nhà

07/07/2005 09:30 GMT+7

Chì và thủy ngân là 2 kim loại nặng được phát minh và đưa vào sử dụng từ rất lâu. Chì được dùng trong sản xuất sơn, pin, đạn, vỏ dây cáp…; thủy ngân được dùng trong sản xuất sơn, nhiệt kế, đèn thủy ngân, trong các linh kiện điện tử… Tuy nhiên, chúng cũng nằm trong danh sách các chất độc cực mạnh và rất nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe con người.

Sự độc hại của chì và thủy ngân đối với sức khỏe

Chì có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp và đường miệng. Chì và hơi chì làm cho mắt, cổ họng và mũi đau rát khi tiếp xúc. Chì cũng gây ra các triệu chứng như nhức đầu, cáu kỉnh, giảm trí nhớ, mất ngủ… Tiếp xúc với chì thường xuyên sẽ dẫn đến nhiễm độc chì. Các triệu chứng của nhiễm độc chì là ăn không ngon, sụt cân, buồn nôn, đau bụng, vận động khó khăn, bị “chuột rút”, tăng nguy cơ cao huyết áp, về lâu về dài sẽ gây ra các bệnh về thận, tổn hại cho não và gây ra bệnh thiếu máu.

Thủy ngân xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp và qua da. Thủy ngân sẽ gây nên cảm giác rát cho da và mắt khi tiếp xúc. Khi hít phải hơi thủy ngân sẽ khiến bị ho, đau tức ngực, có cảm giác đau rát ở phổi và gây khó thở. Tiếp xúc với thủy ngân thường xuyên sẽ bị nhiễm độc thủy ngân. Triệu chứng của nhiễm độc thủy ngân là tay chân bị run, giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung, mờ mắt và bị các chứng bệnh về thận.

Chì và thủy ngân đều có ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản ở cả phụ nữ và nam giới, chúng còn có tác hại đối với thai nhi.

Chì và thủy ngân có tồn tại trong nhà của chúng ta hay không?

Không chỉ có những người làm các công việc có liên quan đến chì và thủy ngân thì mới có nguy cơ nhiễm độc. Mọi người đều có khả năng bị nhiễm chì và thủy ngân từ nước, đất và không khí xung quanh vì chúng đều có nguy cơ nhiễm chì và thủy ngân từ khí thải động cơ và từ các nhà máy. Như vậy nếu chúng ta chỉ ở trong nhà thì chúng ta có được an toàn tuyệt đối hay không?

Câu trả lời là không, ngay khi ở trong nhà chúng ta cũng không hoàn toàn tránh khỏi nguy cơ này. Nó là một nguy cơ tiềm ẩn mà chúng ta không nhận ra được. Chúng ta có thể nhiễm độc chì và thủy ngân từ: các vẩy hoặc bụi sơn từ tường, cửa và các vật dụng trong gia đình mà được sơn từ các loại sơn có chứa chì và thủy ngân, trong đất và bụi xung quanh nhà, nước nhiễm chì từ hệ thống ống dẫn nước, từ các đồ dùng bằng pha lê, thủy tinh màu, đồ gốm, các loại pin, máy quay phim, đồ chơi, đài radio, máy tính, nhiệt kế, các loại đèn thủy ngân và kể cả mỹ phẩm. Có nhiều sản phẩm sơn, đặc biệt các loại sơn dành cho gỗ, bê-tông, kim loại, khung cửa đều chứa hàm lượng chì và thủy ngân rất cao.

Chúng ta có thể bị nhiễm độc khi sống trong một ngôi nhà được sơn bằng sơn sử dụng chì và thủy ngân. Một mảng tường bị bong tróc, một món đồ chơi của trẻ nhỏ, nguồn nước uống hay đơn thuần chỉ là một lớp bụi trong nhà cũng tiềm ẩn một nguy cơ nhiễm chì và thủy ngân từ sơn. Và đối tượng dễ bị nhiễm độc nhất trong gia đình lại chính là trẻ em vì trẻ sẽ hít phải bụi, đút tay hoặc bất kỳ thứ gì nhặt được vào miệng mà chúng ta không thể kiểm soát được. Nhiễm độc chì và thủy ngân gây tác hại nghiêm trọng hơn ở trẻ em vì hệ thần kinh của trẻ nhạy cảm hơn. Chúng gây ảnh hướng đến não, hệ thần kinh, khả năng tiếp thu và sự phát triển của trẻ nhỏ.

Vì những ảnh hưởng đặc biệt nguy hại của chì và thủy ngân đối với sức khỏe nên nhiều quốc gia như Mỹ và các nước châu u đã cấm sản phẩm sơn sử dụng chì và thủy ngân từ đầu năm 1990. Xăng pha chì, dù được coi là cách mạng trong ngành công nghiệp ô tô cũng bị cấm hoàn toàn  từ năm 1986 tại Mỹ và từ năm 2001 tại Việt Nam.

Một số biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc chì và thủy ngân tại nhà:

- Chọn và dùng các loại sơn cho cả nội thất và ngoại thất không sử dụng chì và thủy ngân.

- Mua các vật dụng gia đình: đồ pha lê, đồ gốm hoặc đồ chơi cho trẻ em có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo không sử dụng chì và thủy ngân trong quá trình sản xuất.

- Có chế độ ăn thích hợp có nhiều chất sắt, calci, vitamin C để giúp cơ thể chống chì.

- Không cho trẻ gặm vành cửa sổ hoặc các vật dụng có sơn.

- Thường xuyên rửa tay.

- Để nước trong vòi chảy độ 60 giây, trước khi hứng vô chai lọ. Khoảng một tháng một lần, tháo và chùi bộ phận lọc của vòi nước để loại bỏ chất cặn.

Vân Giao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.