Phẫu thuật nâng ngực là mối quan tâm của chị em, nhưng cần lưu ý phải thực hiện ở những bác sĩ có chuyên môn và cơ sở đáp ứng đủ điều kiện.
Các chuyên gia phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ phân biệt các “kiểu dáng” cơ bản: ngực bánh dày, ngực sa trễ, ngực phì đại, ngực mướp. Bác sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết một số trường hợp vòng một của chị em bị “sa sút” như teo nhỏ, sa trễ, phì đại. Điều này khiến chị em kém tự tin về vóc dáng, do vậy, nhiều người có nhu cầu “nâng cấp”, làm đẹp vòng một, đây là nhu cầu chính đáng.
Tuy nhiên, chị em cần được tư vấn rõ ràng từ các nhà chuyên môn, suy nghĩ kỹ càng trước khi quyết định phẫu thuật. Theo bác sĩ, phẫu thuật đặt túi ngực làm đẹp nhưng vẫn phải bảo tồn các chức năng sinh lý tự nhiên về cảm giác, bảo tồn hoạt động của tuyến vú. Để bảo toàn tuyến vú, túi ngực sẽ được đặt ở vị trí xa tuyến vú, vì nếu đặt ngay sau tuyến vú sẽ có thể gây xơ hóa. Với không ít trường hợp đầu vú to quá khổ, việc thu nhỏ đầu vú cũng được thực hiện. Đầu vú làm “nhiệm vụ” dẫn truyền cảm giác, nên các bác sĩ không chỉ thu nhỏ để tăng tính thẩm mỹ mà còn phải bảo tồn chức năng quan trọng của bộ phận này. “Các phẫu thuật này cần được thực hiện bởi phẫu thuật viên có kinh nghiệm, tại cơ sở y tế đủ điều kiện”, bác sĩ Sơn lưu ý.
Những đường đặt
Bác sĩ Nguyễn Huy Thọ, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, Bệnh viện 108 (Hà Nội), cho biết có một vài kiểu đường mổ để đặt túi độn ngực, mỗi đường mổ có ưu thế cũng như hạn chế riêng. Ví dụ, nếu mổ dưới nếp vú thì an toàn, bảo vệ được toàn vẹn tuyến vú, không ảnh hưởng đến tiết sữa sau này. Nhưng ở người châu Á dễ hình thành sẹo lồi, nên đường mổ này có thể gây khó chịu chút ít. Đường mổ ở quầng vú giúp giấu sẹo ngay tại quầng vú, nhưng phải cắt qua tuyến nên có thể ảnh hưởng đến tiết sữa nếu còn sinh nở. Hoặc nếu quầng vú quá nhỏ cũng không đi được qua con đường này. Còn đi qua đường nách, nhiều người thích mặc hở, khi giơ tay lên cao có thể lộ đường sẹo nhỏ cũng là không mong muốn.
Sau phẫu thuật nâng ngực cũng có thể xảy ra các biến chứng sớm như tụ máu bên trong, chảy máu, nhiễm trùng; biến chứng muộn như rối loạn cảm giác. “Biến chứng mà bác sĩ và khách hàng đều “ngán” là biến chứng co bao”, bác sĩ Thọ lưu ý. Co bao là hiện tượng phản ứng của cơ thể trước một chất lạ, cơ thể sinh ra một chất để bọc lấy vật lạ đó. Ai cũng có thể gặp phản ứng này, nhưng ở một số người hiện tượng này quá mạnh khiến chất bọc quá dày, gây xơ cứng bóp méo túi độn, làm biến dạng bầu ngực.
Nam Sơn
Bình luận (0)