Hành trình duy trì sự sống
Chúng tôi đến Bệnh viện đa khoa (BVĐK) trung tâm An Giang vào một chiều buông nắng. Tại khu chạy thận nhân tạo, khá đông bệnh nhân ngồi chờ đến lượt chạy thận. Đa số họ là bệnh nhân “quen mặt” của BV.
Ngồi một mình ở dãy ghế chờ, ông Phạm Văn Ai (48 tuổi, ngụ xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, An Giang), có con là Thái Thiện Minh (24 tuổi) bị suy thận giai đoạn cuối, tâm sự về hành trình duy trì sự sống cho con mình: “Năm 2012, con tôi bị phát hiện mắc bệnh suy thận mãn tính, bệnh đã chuyển qua giai đoạn cuối. Khi đó tôi hoàn toàn suy sụp tinh thần, vợ tôi thì bỏ đi biệt tăm, chưa một lần đến để thăm con. Tiền bạc, của cải trong nhà dần ra đi, tôi phải vay mượn, bán hết 5 công đất ruộng, bán luôn cả nền nhà để trị bệnh cho con”.
Những ngày ở BV, cha con ông Ai xin cơm từ thiện để ăn, đêm đến thuê ghế bố với giá 10.000 đồng/đêm hoặc trải chiếu trước hành lang để ngủ. Khoảng 6 tháng nay, nhờ sự hỗ trợ của BV, cha con ông và 13 người khác được chuyển đến Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP.Long Xuyên để ở.
Từ khu vực chạy thận nhân tạo đi ra, anh Minh bước từng bước nặng nhọc với gương mặt vô hồn. Ngồi cạnh chúng tôi, anh kể, trước khi phát bệnh, anh đang là sinh viên năm nhất ngành lý luận chính trị trường ĐH An Giang. Một lần đang ngủ, anh giật mình và thấy khó chịu trong người, cơ thể nóng bừng, không nói chuyện được, lên cơn co giật và hôn mê, được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
|
Để giảm bớt gánh nặng cho cha, năm 2014 anh Minh đi bán vé số. Những ngày không chạy thận, anh nhận khoảng 300 vé, đi bán suốt ngày cũng gần đủ để trả tiền phí chạy thận dịch vụ. Nhưng bán được hơn 1 năm, sức khỏe suy giảm trầm trọng nên anh không thể đi bán tiếp tục.
“Những ngày vào viện chạy thận mãn tính, tôi biết thêm được nhiều người, nhiều hoàn cảnh còn đáng thương hơn mình. Tôi tâm niệm đó là động lực cho bản thân trong cuộc chiến giành lại sức khỏe để có thể tiếp tục việc học dang dở, viết tiếp ước mơ tương lai”, anh Minh chia sẻ.
Còn chị Trần Thị Thúy Oanh (36 tuổi, ngụ thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, An Giang) chạy thận hơn 2 năm, tâm sự: “Năm đầu, lịch chạy thận ít nên tôi sắp xếp về nhà để chăm sóc con nhỏ. Đến năm thứ 2, tôi phải chạy thận 3 lần/tuần, mỗi lần chạy lại tốn 350.000 đồng phí dịch vụ và tiền mua thuốc ngoài danh mục nên không được bảo hiểm chi trả. Do nhà ở xa, đi lại tốn tiền nên đành dọn ít vật dụng vào “nương náu” hành lang BV, đợi đến ca mình chạy thận. Suốt 1 năm ròng, tôi ở hẳn trong BV đợi được chạy thận. Nhớ nhà, nhớ chồng con da diết nhưng biết làm sao”.
Trước đây, chị Oanh cùng chồng lên TP.HCM đi làm hồ và bán vé số. Một lần, trên đường về gần tới phòng trọ, chồng chị bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, phải nuôi sọ. Dù giữ được mạng sống nhưng không còn minh mẫn, sức khỏe yếu dần.
“Hộp sọ để ở BV quá lâu nên đã cũ và không thể ráp lại, chỉ còn cách ráp hộp sọ nhân tạo, nhưng chi phí lên đến 40 triệu đồng, vượt ngoài khả năng của gia đình. Vì vậy, mỗi ngày chồng tôi phải chịu đựng từng cơn nhức đầu dày vò thân xác”, chị Oanh buồn bã nói.
|
“Suốt 2 năm một thân một mình đi chạy thận, nhiều lúc buồn tủi muốn buông xuôi mặc số phận, nhưng nghĩ đến con tôi lại tiếp tục ráng gượng để sống. Xa con chính là nỗi đau lớn nhất của tôi, còn hơn cả căn bệnh hiểm nghèo đang hành hạ”, chị Oanh xúc động.
Căn bệnh 'trời đày'
Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh suy thận nặng phải lọc máu 3 ngày một lần để kéo dài sự sống. Người bệnh bị giảm số lần đi tiểu, thậm chí sau hơn 2 năm hoàn toàn không thể đi tiểu, mệt mỏi, mất cảm giác muốn ăn, thường xuyên buồn nôn, ốm, mệt mỏi, giảm cân không kiểm soát, thay đổi màu da, đau xương, dễ bị bầm tím, tê tay và chân, khát nước nhưng không dám uống do sợ cơ thể phù nề…
Bên cạnh đó, bệnh này phải ngủ ngồi, bệnh nhân thường để gối lên thùng giấy rồi nằm gục lên ngủ. Vậy nên ai cũng cho rằng đây là căn bệnh “trời đày”.
Ông Nguyễn Thành Sơn (65 tuổi, ngụ Long Điền B, huyện Chợ Mới, An Giang) làn da sạm đen, tai ù, mắt mờ đục, cánh tay nổi đầy những nốt u sần, đôi mắt không còn tinh nhanh nữa. Khoảng một tháng trở lại đây, bệnh tình nặng thêm khiến ông không thể về nhà, ăn uống kém, hay nôn ói.
"Có lẽ tôi sắp về chầu trời rồi", ông ngồi tựa lưng vào tường nói về cái chết đang đến dần một cách thản nhiên. Bởi ông biết, như bao bệnh nhân chạy thận khác đang tại đây đều xác định sẽ chết, chỉ là nó xảy ra sớm hay muộn mà thôi.
Niềm an ủi lớn nhất là người vợ ở bên để ông có thể vừng lòng tin tiếp tục chạy thận, những lúc ông mệt mỏi, bức bối thường hay quát nạt bà, nhưng bà vẫn cạnh bên an ủi, ân cần vỗ nhẹ lưng, bóp tay, chân giúp ông bớt mệt mỏi.
Chị Trần Thị Tiền (30 tuổi, ngụ huyện Phú Tân, An Giang) đang túc trực nuôi mẹ ruột và ba chồng chạy thận suốt 2 năm nay cho biết: “Mẹ tôi bị chạy thận suốt 2 năm nay, ba chồng thì chạy thận khoảng 1 năm. Thương ba, mẹ đã già yếu mà phải chống chọi với bệnh tật nhiều năm, phận làm con như tôi không giúp được gì, chỉ biết có mặt ở bên cạnh để chăm sóc, phụng dưỡng”.
Nhiều lúc bệnh tình trở nặng phải thức suốt đêm để canh chừng, chưa bao giờ chị có thể ngủ yên vì lo lắng cho ba, mẹ. Để lo cho ba, mẹ, chồng chị phải đi làm công nhân ở Bình Dương, số tiền lương ít ỏi đều gửi về để lo chi phí chạy thận…
Bình luận (0)