Nổi hạch, chớ coi thường!

08/02/2009 19:19 GMT+7

Khi thấy hạch nổi lên ở đâu đó trên cơ thể thì hãy để ý, vì đó có thể là một loại bệnh lao – lao hạch!

Trực khuẩn sẽ thức giấc

Chị H.M.N (29 tuổi, ở Q.3, TP.HCM) hay bị viêm họng, nổi hạch dọc hai bên cổ và sốt nhẹ. Chị đi khám chuyên khoa tai mũi họng, được bác sĩ chẩn đoán là viêm họng cấp và cho uống thuốc 10 ngày thì thấy bớt. Do bận rộn nên chị cũng không để ý đến “sợi dây chuyền hạch”, sau đó đi khám lại ở một chỗ khác mới phát hiện mình bị lao hạch.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Đức, Trưởng khoa Khám và Điều trị ngoại trú, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM cho biết: “Lao hạch khác với lao phổi như nhiều người lầm tưởng. Trong cơ thể, bất kỳ bộ phận nào cũng có thể bị bệnh lao. Trực khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, do hít phải từ người có bệnh lao phổi phóng thích ra khi ho, khạc, hắt hơi... Sau khi vào đến phổi, trực khuẩn lao sẽ sinh sôi nảy nở rồi sau đó theo máu và bạch huyết phát tán đi mọi nơi trong cơ thể. Thường thì đa số trực khuẩn sẽ bị hệ thống miễn dịch của cơ thể tiêu diệt, tuy nhiên có một số trực khuẩn vẫn còn sống và nằm lại trong tế bào ở một vài vị trí nào đó.

Về sau, khi hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu đi, những trực khuẩn lao còn sót lại này sẽ “thức dậy”, phát triển và gây bệnh. Ổ trực khuẩn ở phổi gây lao phổi, nhưng có thể có trực khuẩn ở mọi vị trí, nên không chỉ có lao phổi mà có thể là lao màng phổi, lao màng não, lao hạch, lao xương, lao da, lao mắt, lao ruột, lao thận, lao sinh dục...”.

Vị trí nổi hạch thường gặp

Lao hạch chính là bệnh lao xảy ra tại các hạch bạch huyết. Trực khuẩn lao đã di chuyển đến hạch rồi phát triển gây bệnh tại hạch. Mạch bạch huyết dẫn lưu bạch huyết từ khắp cơ thể về lại máu. Mạch bạch huyết có ở mọi chỗ. Hạch là các cấu trúc nằm trên đường đi của mạch bạch huyết. Thường thì ta không sờ thấy hạch bạch huyết.

Khi hạch bị một bệnh gì đó (như lao chẳng hạn), nó tăng kích thước lớn lên thì có thể sờ thấy từ bên ngoài. Hạch to chính là lý do bệnh nhân đến bác sĩ khám. Những chỗ hạch dễ được phát hiện là cổ, nách, bẹn. Bệnh nhân phát hiện do hạch to lên gây cảm giác đau, sờ thấy cộm, hoặc nhìn thấy cổ mất cân xứng... Mỗi năm tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) chẩn đoán và điều trị cho hơn 1.000 ca bệnh lao hạch.

Theo bác sĩ Hồng Đức, lao hạch thường gặp ở vùng cổ, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào khác (như: hạch trong bụng, hạch bẹn, nách, hạch trong lồng ngực). Hạch lao ở vùng cổ có thể có ở một hay cả hai bên, có thể có nhiều hạch. Hạch lao sờ thấy chắc, nhiều hạch ở gần nhau dính chùm lại với nhau, kích thước thay đổi từ hạt đậu, hay rất to làm thay đổi hình dáng cơ thể.

Lúc đầu hạch có thể sờ đau, nếu không chữa có thể xì mủ ra da, về sau để lại sẹo co kéo rất đặc biệt. Thường ít có biểu hiện toàn thân, bệnh nhân gần như bình thường trong nhiều năm với hạch to. Nhưng lưu ý là, lao hạch có thể đi kèm lao phổi, khi đó bệnh nhân sẽ có sốt, ho, khạc, là những triệu chứng của lao phổi.

Để chẩn đoán lao hạch cần làm sinh thiết hạch. Những xét nghiệm khác như chụp phổi, thử đàm là để tầm soát lao phổi. Việc điều trị bằng thuốc kháng lao với đầy đủ những nguyên tắc của điều trị lao là: đúng, đủ, đều. Bệnh nhân sẽ được điều trị trong 8 tháng. Nếu phát hiện, chữa trị sớm, lao hạch có thể được chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng nào.

Thanh Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.