Nỗi khổ có chu kỳ

14/08/2009 14:13 GMT+7

Con gái tôi 15 tuổi, có kinh đã bốn năm. Mỗi lần cháu hành kinh là cực hình vì đau bụng kinh khủng, vã mồ hôi, tái hết mặt mũi. Vì sao cháu lại bị như thế, phải chăng cấu tạo cơ quan sinh dục của cháu bất thường?

 Một bạn đọc

- Đau bụng kinh là “nỗi khổ có chu kỳ” của nữ giới mà dường như ai cũng được hưởng chút đỉnh. Có người đau âm ỉ, có người đau dữ dội, có người kèm theo đau đầu, đau lưng như có bệnh. Chúng ta biết kinh nguyệt là máu chảy từ lớp dưới niêm mạc tử cung do biến đổi nội tiết có chu kỳ của buồng trứng.

Muốn máu chảy ra ngoài thì cơ tử cung phải co bóp. Khi cơ tử cung co lại thì một chất hóa học có tên gọi prostaglandin xuất hiện. Chính nó là thủ phạm gây đau. Còn tại sao cô gái này đau nhiều hơn cô gái kia, đó là do chất cảm thụ đặc hiệu (receptor) có nhạy hay không. Nếu nó rất nhạy thì đau dữ dội hơn, nếu nó hời hợt khi tiếp nhận thì đau âm ỉ.

Có cô gái đến ngày hành kinh thì như một người bệnh vì đau khắp nơi. Đó là do prostaglandin đi vào máu đến đầu gây đau đầu, kích thích các sợi thần kinh thắt lưng gây đau lưng. Có trường hợp khi cơ trơn tử cung co thì cơ trơn ruột cũng co bóp gây tiêu chảy ngày 3-4 lần...

Đa số trường hợp màng trinh luôn có 3-6 lỗ thủng để máu kinh có lối thoát ra ngoài. Nếu màng trinh bị bít kín thì ngay lần có kinh đầu tiên bé gái đã đau không chịu được. Còn nếu màng trinh chỉ có 1-2 lỗ thủng, cơ trơn tử cung co với áp lực lớn sẽ làm “tên” gây đau tiết ra nhiều hơn. Vì thế có bà mẹ đã giải thích với con gái là “lấy chồng thì hết đau”.

Khi bị đau bụng kinh có nên uống thuốc? Rất nên. Chị có thể chọn thuốc thuộc nhóm không steroid như Cataflam cho cháu uống. Hoạt chất chính của nó là diclofenac có tác dụng ức chế sản xuất prostaglandin. Có bà mẹ còn sợ hãi rằng liệu mỗi tháng uống thuốc giảm đau có gây vô sinh? Chuyện này các bạn có thể yên tâm. Chúng chỉ làm thủ phạm gây đau không hoành hành được, sau đó bị gan thải ra chứ không lưu giữ. Có điều lưu ý là thuốc giảm đau này nên uống sau khi ăn và uống bằng nước lọc.

Theo TS.BS LÊ THÚY TƯƠI / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.