Xung quanh giường bệnh là nụ cười mãn nguyện của các bác sĩ. Đối với nghề y, đó là khoảnh khắc mà trái tim nở nụ cười...
Điều kỳ diệu
"Mũi nhét bông gòn đi học là chuyện cả trường ai cũng biết", chị Nguyễn Thị Đoan Hạ, mẹ bé Hoàng Thị Quỳnh Trang (sinh năm 2001, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) bùi ngùi kể.
Bé Trang được phát hiện bị bệnh liệt tiểu cầu lúc 3 tháng tuổi một cách tình cờ khi bị xuất huyết tiêu hóa. Bệnh làm máu của bé không đông lại được vì thế mà Trang thường xuyên bị chảy máu mũi và răng.
Đến năm 5 tuổi bé đi khám răng thì phát hiện khối u chân răng hàm trên. Khối u ngày càng phát triển to lên. Đến 6 tháng trước khi nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thì khối u gần như chiếm nửa gương mặt bé, đẩy lồi mắt, gây biến dạng khuôn mặt, lệch chân răng. Bé được chẩn đoán là u loạn sản sợi xương hàm trên.
Ca bệnh sẽ đơn giản và dễ phẫu thuật hơn nếu Trang không bị liệt tiểu cầu, cơ thể bé không có khả năng tự đông máu. Để phẫu thuật cho bé, các bác sĩ phải sử dụng Novoseven, thuốc giúp đông máu, chưa từng được sử dụng tại Việt Nam. Loại thuốc này rất đắt, có giá 26 triệu/lọ. Cũng chính vì thế mà chi phí phẫu thuật cho trường hợp này lên đến… 2,6 tỉ đồng.
|
Con số làm cả gia đình chóng mặt, không biết làm sao. Với gia cảnh chồng làm thợ điện, vợ nghỉ làm ở nhà lo cho con thì tìm mọi đường gom góp, anh chị chỉ có được khoảng 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã vận động sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Tổng số tiền gia đình và bệnh viện gom góp được cho ca mổ chỉ mới được khoảng hơn 700 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau nhiều lần hội chẩn giữa Bệnh viện Chợ Rẫy cùng Viện Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM, ngày 20.2 ca mổ đã diễn ra. Gần 50 bác sĩ và nhân viên y tế của các bệnh viện trên đã tiến hành gây mê, phẫu thuật cắt xương hàm trên cùng với khối u cho bệnh nhân.
Bệnh viện Chợ Rẫy tạm thời “mua chịu” và “nợ” lại nhà cung cấp thuốc tiền mua Novoseven.
Đến nay, Trang đã khỏe mạnh, không chảy máu. Cô bé có thể thoải mái nằm đọc sách trên giường bệnh. Còn chị Hạ, mẹ bé thì nhẹ lòng, hạnh phúc: “Trong mơ cũng không nghĩ con mình mổ hết mấy tỉ!”.
“Đây là một ca bệnh rất hiếm gặp. Nếu không được điều trị cắt bỏ khối u, bệnh nhân sẽ không làm được gì: không thở được, không ăn được; chảy máu, mắt lồi ra, không nhìn được gì và có thể mù. Thế nên không thể chậm trễ hơn”, Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp mổ cho bé Trang, nói.
Bé Trang chỉ là một trong nhiều bệnh nhân đã vượt qua bệnh tật nhờ tấm lòng nhân ái của những người giúp đỡ, nhờ liều thuốc và ca mổ từ trái tim của người bác sĩ.
2,5 tỉ đồng và… một thùng mì tôm
Nghe tiếng xe cấp cứu vội vã, ngửi thấy mùi ê-te, nhìn những chiếc áo blouse trắng tất bật ở những bệnh viện tuyến cuối, người ta dễ dàng cảm nhận một cách rõ ràng hơn sự mong manh giữa sự sống và cái chết. Cũng ở đó, người ta thấy rõ sự vất vả của những gia đình, người bệnh nghèo chắt chiu tiền bạc để giữ, giành lại sức khỏe cho mình, người thân…
Hiện nay, tại hầu hết các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2,… đều có phòng hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Đây là nơi vận động kinh phí của các nhà hảo tâm để miễn, giảm, chi trả chi phí điều trị cho bệnh nhân nghèo.
|
Riêng Bệnh viện Chợ Rẫy, năm 2010, đã vận động được gần 4,5 tỉ đồng tiền mặt của những người tốt bụng. Nhờ đó mà khoảng 552 lượt bệnh nhân nghèo được miễn giảm viện phí, 1.104 lượt bệnh nhân được giúp đỡ ngoài miễn giảm viện phí và bệnh viện cung cấp 2.500 suất ăn miễn phí mỗi ngày…
Có những đơn vị, mỗi năm đều đặn ủng hộ bệnh viện những khoản tiền lên đến 2,5 tỉ đồng mà họ chẳng cần tung hô, giương kèn, gióng trống. Bên cạnh đó, rất nhiều cá nhân đến đóng góp vài triệu đồng, vài chục kg gạo…
Đặc biệt, “có lần, một bệnh nhân sau khi được điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy xong, về quê, đã gửi vào ủng hộ quỹ bệnh nhân nghèo của bệnh viện một thùng mì tôm với lời nhắn là giúp đỡ bữa cơm cho bệnh nhân và người nuôi bệnh nghèo”, bác sĩ Trường xúc động kể.
Một thùng mì tôm chỉ là hạt muối nhỏ đổ vào đại dương bao la của những tấm lòng nhân ái. Tuy nhiên, chính từ những hạt muối ấy mà đại dương mặn mà và dạt dào tình nghĩa.
Trung tâm Y xã hội ra đời do chính đề nghị của những bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm mục đích quyên góp tiền ủng hộ, giúp đỡ cho những bệnh nhân nghèo, khó khăn.
Thấm thía những giá trị của nghề y bên cạnh chuyên môn điều trị, bác sĩ Trường chia sẻ: “Nhận được thùng mì, tôi thấm thía nhiều điều, người gửi quà cũng từng là bệnh nhân ở đây, gia cảnh cũng khó khăn. Họ cảm nhận sâu sắc những vất vả, những lúc gia đình phải xoay tiền cho từng bữa cơm khi nuôi bệnh và đôi lúc đó chỉ là tiền cho một gói mì tôm. Chính vì vậy, mình hạnh phúc vì mọi người ủng hộ. Sự ủng hộ đó là niềm tin mà bệnh nhân, người dân dành cho các y bác sĩ. Đó là niềm vui của người thầy thuốc”.
“Là một bác sĩ vừa làm chuyên môn, vừa làm công tác quản lý, chưa bao giờ chúng tôi quá lăn tăn, quá bận bịu về việc ca đó phải chữa hết bao nhiêu tiền. Cái chính là sức khỏe của bệnh nhân”, bác sĩ Trường khẳng định.
Đó là nơi những trái tim biết cười!
Nguyên Mi
Bình luận (0)