Phân biệt tiêu chảy cấp do vi rút Rota hay do vi khuẩn?

28/11/2016 16:53 GMT+7

Theo các bác sỹ nhi khoa, tỷ lệ trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp thường tăng cao vào những tháng cuối năm.

Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, song phần lớn là do nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn, trong đó nguy hiểm nhất là do nhiễm loại vi rút có tên là Rota. Phụ huynh cần nắm rõ dấu hiệu của mỗi loại bệnh tiêu chảy để có thể xử lý kịp thời.
Bệnh tiêu chảy cấp là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho trẻ em Việt Nam trong thời gian gần đây. Riêng năm 2009 đã có 930.496 ca mắc tiêu chảy, trong đó có 4 người chết.1 Tiêu chảy cấp do vi khuẩn gây ra sẽ khác với do vi rút gây ra (cụ thể và phổ biến nhất là vi rút Rota) cả về dấu hiệu nhận biết lẫn hậu quả để lại.
Tiêu chảy cấp do nhiễm vi khuẩn
Tiêu chảy cấp do nhiễm vi khuẩn từ nguồn thức ăn không đảm bảo vệ sinh sẽ có biểu hiện cấp tính, bùng phát trong vài giờ hoặc trong vài ngày tùy thể trạng mỗi người. Khi bị nhiễm, người bệnh sẽ có những biểu hiện bụng đau quặn thắt, tiêu chảy xối xả và liên tục 10-15 lần/ngày, phân lỏng toàn nước. Thêm một đặc điểm đáng chú ý khác nữa, đó là phân rất tanh, có màu trắng đục như nước vo gạo, phân thải ra không kèm máu và chất nhầy. Do đi ngoài nhiều, cơ thể mất nước và mất điện giải cho nên cái cần thiết nhất là phải tìm cách bù nước ngay cho cơ thể. Lưu ý, khi đang bị tiêu chảy, “ăn ít – uống nhiều” là đúng, nhưng không có nghĩa là bù nước bằng việc uống nước ép trái cây hay nước ngọt.
Tiêu chảy cấp do nhiễm vi rút Rota
Tiêu chảy cấp do vi rút Rota gây ra thường khiến trẻ nóng sốt, quấy khóc, sau đó nôn ói dữ dội và tiêu chảy. Nôn ói và tiêu chảy có thể đến 20 lần/ngày, phân thường nhiều nước, có thể có nhầy không có máu. Vì trẻ vừa nôn ói và vừa tiêu chảy nhiều lần trong ngày nên cơ thể trẻ dễ bị mất nước. Nếu không được điều trị bù nước kịp thời và thích hợp trẻ sẽ mất nước nặng, có thể dẫn đến tử vong. Sau đợt bệnh, trẻ dễ có nguy cơ suy dinh dưỡng dù đã được nâng đỡ dinh dưỡng thích hợp.
Tiêu chảy cấp do Rota dễ lây lan, chủ yếu qua con đường phân, miệng và tay. Vi rút được thải ra ngoài theo phân của bệnh nhi và tồn tại nhiều ngày trên bề mặt các đồ vật xung quanh trẻ như bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, các vật dụng trong nhà. Nguy cơ nhiễm bệnh của các trẻ nhỏ là rất cao, trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng.
Vi rút Rota: ngừa tốt hơn
Những biện pháp vệ sinh quen thuộc như rửa tay đúng cách, sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường... tuy có thể giúp phòng ngừa bệnh nhưng không thể khống chế hoàn toàn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo uống vắc-xin ngừa là một trong những biện pháp chủ yếu để phòng ngừa bệnh.2
Trẻ từ 2 tháng tuổi đã được khuyên dùng vắc-xin ngừa vi rút Rota và nên hoàn tất trước 6 tháng tuổi. Do đó phụ huynh có trẻ từ 2 – 6 tháng tuổi nên đưa trẻ đến các bệnh viện sản nhi, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế phường để được tư vấn bác sĩ cho uống ngừa vắc-xin phù hợp để phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rota vi rút.
Tư vấn bác sĩ về chủng ngừa và truy cập website https://tiemngua.com để biết thêm thông tin và cách phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do vi rút Rota gây ra.
Chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng được thực hiện bởi Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Văn phòng đại diện GSK Pte Ltd tại TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.