Tạp chí The National Interest hôm 8.10 dẫn nghiên cứu vừa được công bố của các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Kyoto (Nhật Bản) cho hay SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch COVID-19, có thể tồn tại trên da người đến 9 giờ, lâu hơn nhiều so với virus cúm A.
Cụ thể, các nhà khoa học Nhật Bản đã sử dụng các mẫu da người thu được từ các tử thi, trong vòng 24 giờ sau khi chết, cho cuộc nghiên cứu. Bởi lúc này, da người vẫn giữ được gần như đầy đủ các chức năng, tương đương với da một người còn sống.
Kết quả, nhóm nghiên cứu nhận thấy SARS-CoV-2 vẫn tồn tại trên các mẫu da người đến 9,04 giờ, trong khi virus cúm A chỉ sống được 1,82 giờ. Hơn nữa, khi cho SARS-CoV-2 trộn lẫn với chất nhầy, giống như khi một người ho hoặc hắt hơi, thì thời gian chúng tồn tại còn lớn hơn, lên đến khoảng 11 giờ.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng lưu ý cả hai loại virus này đều có thể bị vô hiệu hóa dễ dàng sau 20 giây rửa với dung dịch chứa 80% ethanol.
"Kết quả nghiên cứu này chứng minh việc vệ sinh tay đúng cách là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của SARS-CoV-2", các tác giả cho biết.
Hồi tháng 3.2020, một nghiên cứu độc lập khác từ chính phủ Mỹ cho hay SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong không khí tối đa 3 giờ và tối đa 3 ngày trên một số bề mặt như giấy cứng, nhựa, thép không gỉ,... Đồng thời, nhóm nhà nghiên cứu này cũng khuyến cáo người dân cần tăng cường giữ vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên, theo The National Interest.
Việc nghiên cứu thời gian virus có thể tồn tại trên da người được cho là phức tạp hơn so với các bề mặt khác, bởi khó khăn từ việc lấy mẫu, mà cụ thể là vấn đề kiểm soát các mẫu virus có khả năng gây chết người khi đưa chúng lên tay hay da người khác.
Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Nhật Bản cho hay họ chưa xét đến "liều lượng lây nhiễm" của SARS-CoV-2, tức số lượng virus cần thiết để một người có thể bị nhiễm bệnh từ một vùng da bị ô nhiễm. Đồng thời, cho biết thêm các nghiên cứu trong tương lai có thể xem xét câu hỏi này, theo The National Interest.
Bình luận (0)