Bệnh tiềm ẩn
Nhân ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10.10), ngày 7.10, thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: hiện có gần 54 triệu người trên thế giới mắc các rối loạn về sức khỏe tâm thần, ngoài ra còn có 154 triệu người mắc chứng trầm cảm. Các con số thống kê mới nhất cho thấy, có gần 1 triệu người tự tử mỗi năm.
Tiến sĩ Jean-Marc Olivé (Trưởng đại diện của WHO tại VN) cho rằng, tình trạng sức khỏe tâm thần ở VN không nằm ngoài tình hình chung của thế giới. Kết quả khảo sát trước đây cho thấy, tỷ lệ rối loạn tâm thần ở học sinh tiểu học là 20% và tỷ lệ ở bà mẹ đang cho con bú (6-18 tháng) là 20%. Gần đây một số nghiên cứu ở quy mô nhỏ hơn cũng ghi nhận, tỷ lệ rối loạn tâm thần nói chung chiếm khoảng 20-30%.
Sức khỏe tâm thần được xem là một tình trạng sức khỏe mà mỗi cá nhân nhận thức rõ khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả, thành công và có thể đóng góp cho cộng đồng. Các rối loạn tâm thần đang ngày càng trở nên phổ biến ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân theo WHO là do những yếu tố sau: điều kiện cuộc sống (nghèo khổ kéo dài), thiếu điều kiện giáo dục, ăn ở; triển vọng công ăn việc làm; công việc quá tải; các thay đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội; xung đột chính trị; và ảnh hưởng của thiên nhiên.
Loại bệnh ít được quan tâm
Theo tiến sĩ Jean-Marc Olivé, người bị rối loạn tâm thần là một trong số những người bệnh ít được quan tâm nhất trên thế giới. Tại nhiều cộng đồng, bệnh tâm thần không được coi là một bệnh lý thực sự mà được xem như một sự khiếm khuyết trong tính cách. Thậm chí ngay cả khi được công nhận có bệnh, bệnh nhân tâm thần thường nhận được sự điều trị thiếu tính nhân đạo. Hơn 50% các nước phát triển không cung cấp bất cứ sự chăm sóc cộng đồng nào cho những người bị rối loạn tâm thần.
Hơn 75% người bị rối loạn trầm cảm tại các nước đang phát triển không được chữa trị thỏa đáng. Trong khi trầm cảm là bệnh gây tử vong thứ 4 trên toàn thế giới. Còn tự tử là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở những người trẻ trên thế giới. Phần lớn các nước chỉ dành một phần nhỏ trong số nguồn lực cần phải có cho các rối loạn tâm - thần kinh... Một phần ba các nước hiện không có nguồn ngân sách dành riêng cho sức khỏe tâm thần.
WHO cũng đưa ra nhận định: Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần (Chương trình Mục tiêu quốc gia về sức khỏe tâm thần) - tập trung xây dựng "Mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng". Cho đến nay mô hình đã bao phủ ở 64 tỉnh thành, với gần 40% xã/phường. Tuy nhiên, các bệnh tâm thần khác, đặc biệt là trầm cảm thì chưa được quản lý trong mô hình.
WHO khuyến khích tất cả các quốc gia nên lồng ghép sức khỏe tâm thần vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp điều trị, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các bệnh viện đa khoa và phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng.
Thanh Tùng
Bình luận (0)