Rối loạn tăng động ở người lớn, phải làm sao?

04/07/2016 10:44 GMT+7

Xưa nay, nhiều người vẫn nghĩ rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) chỉ có ở trẻ nhỏ, nhưng thực tế chứng bệnh này cũng ảnh hưởng đến người lớn, nhưng ít được chú ý.

Triệu chứng
Nghiên cứu mới cho thấy ADHD ở người lớn có những biểu hiện khác so với các chẩn đoán thời thơ ấu, theo trang tin Self.
Đặc biệt, 2 nghiên cứu lớn vừa công bố gần đây trên tờ JAMA Psychiatry cho thấy có đến 5% những người trưởng thành trên thế giới được chẩn đoán bị ADHD. Theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa bệnh Hoa Kỳ (CDC), ADHD là một trong những rối loạn thần kinh phổ biến nhất của thời thơ ấu. Nó thường được chẩn đoán chỉ có ở trẻ em và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, mặc dù nhiều người tin rằng khi lớn lên bệnh sẽ tự động biến mất. Trẻ bị ADHD thường gặp khó khăn khi chú ý, khó kiểm soát xung động hoặc luôn trong tình trạng lăng xăng, hoạt động không biết mệt, tương tự như có mô-tơ gắn vào người. Trong khi đó, người trưởng thành bị ADHD lại có những triệu chứng cụ thể và khác nhau rõ rệt, họ có thể có mối quan hệ không ổn định hoặc hiệu suất làm việc rất thấp.

tin liên quan

Lầm lẫn về chứng rối loạn tăng động ở trẻ
Rối loạn tăng động giảm chú ý hay còn được gọi là chứng ADHD (Attention Deficit Hyperactivity Disorder) là căn bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ em và có thể kéo dài cho tới tuổi trưởng thành. 
TS Michael Manos - Giám đốc Trung tâm Nhi Behavioral Health tại Viện Nhi của Bệnh viện Cleveland - cho biết khó khăn lớn nhất khi một người trưởng thành bị ADHD là họ không bao giờ thỏa hiệp hoặc thừa nhận mình mắc bệnh. Và chính điều này có thể gây ra các rắc rối cho cuộc sống của họ, từ vấn đề tình cảm như quan hệ gia đình, đồng nghiệp… cho đến thể chất như: lo âu và trầm cảm (thường không thể hoàn thành được công việc đặt ra do luôn bị phân tâm, không tập trung được).
Các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn có thể xuất hiện như một hành vi riêng biệt, chẳng hạn như việc lãng quên mãn tính, luôn cảm thấy khó tập trung, không thể tiếp tục các dự án, và không thể ngồi yên. Mặc dù gần như bất cứ người nào cũng có thể có những triệu chứng như vậy vào một số thời điểm nào đó, nhưng ở người ADHD, các triệu chứng này liên tục, dai dẳng và liên quan tới rối loạn các chức năng. Những triệu chứng này có thể gây cản trở cuộc sống và khả năng thành công về mặt xã hội, học vấn... ở những người bị ADHD.
Luôn cảm thấy khó tập trung, không thể hoàn thành công việc là biểu hiện của ADHD - Ảnh: Shutterstock
Nguyên nhân
Các nhà khoa học chưa biết chính xác những gì gây ra ADHD hoặc các yếu tố nguy cơ gây nên chứng ADHD, nhưng một vài nghiên cứu tìm thấy ADHD có nhiều khả năng liên quan đến yếu tố di truyền. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân tiềm năng và các yếu tố nguy cơ đang được nghiên cứu, như: thiếu cân khi sinh, tiếp xúc với các chất độc trong môi trường, lạm dụng rượu và thuốc lá trong khi mang thai, chấn thương não, xem ti vi quá nhiều hoặc ăn quá nhiều đường.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn lưu ý rằng rối loạn tăng động ở người lớn chủ yếu xuất phát từ 3 nguyên nhân sau: một, đó có thể là một rối loạn có sẵn từ thời thơ ấu; hai là bị các vấn đề sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như lo lắng thái quá; và ba là những người khởi phát muộn chứng ADHD có thể khi còn nhỏ đã bị ADHD nhưng không biết.
Do đó, nếu nghi ngờ mình bị ADHD, điều quan trọng là hãy nói chuyện với một nhà tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để có được đánh giá chính xác và đặc biệt cần nhất là phải gạt đi mặc cảm xấu hổ khi đối diện với sự thật, bởi ADHD khá phổ biến ở người lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.