Sai lầm chết người khi bị đau ruột thừa

14/08/2006 20:22 GMT+7

Đau ruột thừa là tình huống cấp cứu ngoại khoa mà các bệnh viện thường gặp mỗi ngày. Giải quyết ruột thừa bằng phẫu thuật chừng nửa giờ đồng hồ, đơn giản; nhưng cũng sẽ rất phức tạp nếu người bệnh đến trễ hay tự ý dùng thuốc khi bị đau bụng do viêm ruột thừa.

Bệnh chiếm 60 - 70% tình huống cấp cứu về bụng

Mới đây, hôm 31.7, anh H.V (ở TP.HCM) bị đau âm ỉ ở vùng bụng, chần chừ không đến bệnh viện, anh V. đã dùng cùng lúc hai viên thuốc kháng sinh (loại 500 mg). Sau khi uống thuốc, cơn đau có phần dịu đi, anh nghĩ: "Có lẽ đau bụng do thức ăn, chắc không sao!". Nhưng nhờ cẩn thận, sau đó anh V. đến bệnh viện khám và được bác sĩ chẩn đoán ruột thừa bị viêm, phải mổ ngay! Rất may cho anh là được mổ kịp thời, chưa có biến chứng!... Trước đó, một bệnh nhân khác là anh T.V.Đ, 36 tuổi được đưa vào bệnh viện (BV) Chợ Rẫy trong tình trạng ruột thừa đã vỡ, mủ tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. Anh Đ. đã dùng thuốc giảm đau trong lúc bị đau bụng do ruột thừa viêm, cơn đau giảm đã che lấp diễn tiến bệnh!

Theo bác sĩ Phạm Văn Tấn (BV Đại học Y Dược, TP.HCM), viêm ruột thừa là tình huống cấp cứu ngoại khoa gặp mỗi ngày tại các BV. Theo thống kê cả trong và ngoài nước, viêm ruột thừa chiếm đến 60 - 70% các trường hợp cấp cứu về bụng. Không chỉ người lớn mới bị viêm ruột thừa như nhiều người thường nghĩ, mà ngay cả trẻ em cũng bị. Bác sĩ Đào Trung Hiếu - Trưởng khoa Ngoại (BV Nhi đồng 1, TP.HCM) cho biết: "Đây là loại bệnh chiếm hàng đầu trong các bệnh lý mổ cấp cứu tại BV. Bình quân mỗi ngày khoa mổ cắt ruột thừa cho 1-2 bệnh nhi".

Nhiều nguyên nhân gây bệnh


Vị trí đau của viêm ruột thừa (hố chậu phải) cần lưu ý
Ở trẻ em, viêm ruột thừa thường là do tắc mạch máu ruột thừa. Ở người lớn, nguyên nhân thường là do lòng ruột thừa bị tắc nghẽn. Tắc nghẽn do: Phì đại các nang bạch huyết (chiếm số đông), một viêm nhiễm ở đâu đó trên cơ thể (như viêm họng) cũng có thể làm nang bạch huyết ở ruột thừa sưng phì lên; do sỏi phân; do các hạt nhỏ như hạt ổi, ớt, chanh, hay do giun kim chui lọt vào... Theo bác sĩ Lê Văn Quang, có những triệu chứng để nhận biết bệnh: viêm ruột thừa cấp khởi đầu thường là đau ở phần bụng trên, hay đau quanh rốn. Vài giờ sau, đau lan xuống bụng dưới bên phải (hố chậu phải). Có thể kèm theo nôn ói; sốt nhẹ 37,5 - 38 độ C (nếu sốt cao là đã bị biến chứng); tiêu chảy...

Sai lầm khi tự ý xử trí cơn đau ruột thừa

Sai lầm chết người thường gặp, theo các bác sĩ đó là người bệnh tự xử trí cơn đau bụng bằng cách uống thuốc giảm đau, hay dùng thuốc kháng sinh. Theo bác sĩ Lê Văn Quang - giảng viên chuyên khoa Ngoại Trường ĐH Y Dược TP.HCM kiêm trưởng khoa Ngoại BV Thống Nhất (TP.HCM), uống thuốc kháng sinh sẽ làm che lấp triệu chứng diễn tiến của bệnh, dẫn đến chữa trị trễ. Uống thuốc giảm đau càng che lấp triệu chứng nhiều hơn, rất nguy hiểm.

Ai sinh ra cũng có ruột thừa, đây là "di tích" còn lại của ống tiêu hóa của loài người từ thời nguyên thủy. Nó nằm đó nhưng chẳng có nhiệm vụ gì trong cơ thể, nên được gọi là "ruột thừa"! Ở người trưởng thành, ruột thừa dài từ 60 - 80 mm, đường kính khoảng 4 mm. Thường ruột thừa nằm ở vị trí một phần tư dưới bụng bên phải (hố chậu phải), tuy nhiên cũng có một số trường hợp "hắn" nằm ở vị trí khác.

Các phương tiện chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa chỉ là hỗ trợ, còn chẩn đoán xác định lại dựa vào đôi bàn tay của bác sĩ có kinh nghiệm là chính. Vì thế nhiều trường hợp bị viêm ruột thừa, nhưng siêu âm không thấy lại cho kết quả ruột thừa bình thường. Theo bác sĩ Phạm Văn Tấn, viêm ruột thừa có thể chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như: thủng dạ dày tá tràng; thai ngoài tử cung bên phải; nang buồng trứng bên phải bị xoắn... Còn ở trẻ em, theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, trẻ càng nhỏ (dưới 5 tuổi) thì càng khó chẩn đoán do trẻ kể bệnh không chính xác, người lớn hay nghĩ trẻ đau bụng do rối loạn tiêu hóa... dẫn đến chữa trị trễ, gây biến chứng. Ruột thừa bị viêm, chữa trị càng sớm càng tốt. Phương pháp duy nhất là cắt bỏ. Phần lớn hiện nay cắt ruột thừa bằng phẫu thuật nội soi, với thời gian độ nửa giờ (nếu chưa bị biến chứng), nằm viện chừng 1-2 hôm là ra viện.

Nếu chẩn đoán, chữa trị sớm thì tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân viêm ruột thừa rất thấp (chừng một phần ngàn), nếu mổ khi đã có biến chứng (như viêm phúc mạc) thì tỷ lệ tử vong lên tới 10%, đồng thời bệnh nhân rất dễ bị tắc ruột sau khi mổ. Biến chứng thường xảy ra sau 8 - 24 giờ (tính từ khi khởi phát cơn đau bụng). Biến chứng thường gặp gây nguy hiểm là vỡ ruột thừa, mủ tràn vào ổ bụng gây nhiễm trùng, nhiễm độc, rất dễ bị tử vong, lúc này phải can thiệp ngoại khoa khẩn.

Về phương diện phòng bệnh, các nhà chuyên môn cho rằng, cần tránh táo bón (nên ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước), bên cạnh đó cần chữa trị dứt điểm các các bệnh viêm nhiễm ở đường họng, tiêu hóa...

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.