Sắp có vaccine ngừa ung thư ở Việt Nam?

04/05/2006 09:37 GMT+7

Thông tin về việc thế giới đã bắt đầu sản xuất thành công một số loại vaccine ngừa ung thư đã thu hút sự chú ý của dư luận. Sau niềm vui đón nhận thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi, bao giờ thì Việt Nam có thể nhập các loại vaccine đó để ngừa bệnh cho người dân? Vấn đề này đã được chúng tôi đặt ra với những người có trách nhiệm của Bộ Y tế vào chiều 3/5.

Tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng

Theo PGS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam, ông và các cộng sự của ông vừa tiến hành một nghiên cứu về tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ở một số địa phương.

Theo nghiên cứu này, tại 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ từ năm 2001-2004 đã ghi nhận gần 33.000 ca ung thư mới mắc, trong đó nam giới chiếm hơn 50%.

Tỷ lệ mắc ung thư tăng dần theo tuổi nhưng bắt đầu tăng nhiều từ độ tuổi 40 - 44 ở cả hai giới. Ung thư phế quản phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày là những dạng ung thư thường gặp ở nam giới. Riêng ung thư gan, tỷ lệ mắc mới bắt đầu tăng ở tuổi 40, đỉnh điểm ở độ tuổi 65 - 69 với tỷ lệ 91,1/100.000 dân.

Tại Việt Nam, ung thư gan và ung thư dạ dày là hai loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất thế giới. Ước tính, trung bình mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 7.000 ca ung thư gan; trên 10.000 ca ung thư dạ dày; 10.300 trường hợp ung thư phế quản; 2.500 ung thư máu, trên 7.000 ca ung thư vú…

Số lượng bệnh nhân ung thư tuyến giáp ở Việt Nam có xu hướng tăng lên do thiếu iốt và một số yếu tố khác. Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là loại ung thư hay gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho phụ nữ. Phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV.

Mấy năm gần đây, việc áp dụng y học hạt nhân trong chẩn đoán bệnh ung thư đã mang đến niềm hy vọng cho nhiều người bệnh. Việt Nam có 20 cơ sở y học hạt nhân chuyên chẩn đoán nhiều bệnh khác nhau, đặc biệt là chẩn đoán bệnh ung thư.

Theo PGS-TS Mai Trọng Khoa, Trưởng khoa Y học hạt nhân và điều trị ung bướu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), từ năm 2002-2005, khoa y học hạt nhân và điều trị ung bướu của bệnh viện đã tiến hành điều trị cho 256 bệnh nhân ung thư tuyến giáp và cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, hiện nay chuyên ngành y học hạt nhân phát triển chưa đồng đều. Việt Nam hiện mới chỉ trong giai đoạn xúc tiến thành lập hai trung tâm chuyên ngành y học hạt nhân điều trị ung thư tại Hà Nội và TP.HCM.

Việt Nam sắp thử nghiệm tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung

Trong khi người bệnh đang hết sức lo lắng và các chuyên gia y tế đang nỗ lực tìm mọi cách để có thể điều trị căn bệnh này, nhiều nước trên thế giới, các nhà khoa học và các hãng dược phẩm không ngừng tìm tòi để sản xuất được vaccine phòng ngừa các chứng ung thư. Ví dụ như vaccine phổi Gvaxr của hãng Cell Genesys đang trong giai đoạn thử nghiệm trên các bệnh nhân và cho kết quả khá khả quan. Ngoài ra, các nhà khoa học Mỹ hiện cũng đang trong giai đoạn hoàn thành thử nghiệm giai đoạn đầu vaccine phòng chống lại hầu hết các loại u não...

Đặc biệt, triển vọng lớn nhất, gần nhất là vaccine ngừa ung thư cổ tử cung do Merck & Co.and GlaxoSmithKline sản xuất hiện đã được Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm Mỹ xem xét và phê duyệt đầu năm 2006.

Vaccine này có thể dùng cho thiếu niên, nhất là các em gái trước khi đến tuổi dậy thì nhằm ngăn ngừa chứng ung thư quái ác này. Triển vọng này càng trở lên gần gũi người dân Việt Nam hơn khi nó đã và đang được xúc tiến thử nghiệm tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Tổ chức PATH của Mỹ tại Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho phép thực hiện một dự án thí điểm về thử nghiệm tiêm vaccine Human Papillomavirus- HPV (ngừa ung thư cổ tử cung) cho khoảng 9.000 thiếu niên là nữ giới ở độ tuổi 14-15.

Thông tin mà tổ chức này đưa ra cho thấy, HPV là một nhiễm khuẩn rất phổ biến (hơn 50% người lớn nhiễm virus này). 99,7% trường hợp ung thư cổ tử cung có liên quan tới HPV; tiến triển từ nhiễm HPV tới ung thư cổ tử cung khoảng 20-30 năm. Với những mối liên quan này, ngoài hãng Merck & Co.and GlaxoSmithKline, việc sản xuất ra vaccine HPV đã được 1 hãng dược phẩm lớn khác của Mỹ nghiên cứu, đưa vào thử nghiệm.

Việc thử nghiệm trên các bệnh nhân nữ ở độ tuổi 15-26 đã được 2 hãng này thực hiện ở nhiều nước khác nhau, như ở Mỹ, Canada, Úc, Hong Kong, Thái Lan, Philippines, Phần Lan... và cho kết quả khả quan. Vì vậy, tổ chức PATH đề nghị xúc tiến được thử nghiệm tại Việt Nam.

Trước đề xuất quan trọng này, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã giao Cục Y tế dự phòng làm đầu mối để lấy ý kiến các cục, vụ liên quan về việc triển khai dự án này. Theo ông Nguyễn Văn Bình, đến nay về cơ bản các cục, vụ, viện liên quan đều đồng ý về nguyên tắc cho triển khai dự án thí điểm này. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là xem xét kỹ lưỡng về chất lượng vaccine, hiệu quả sử dụng...

Các đơn vị cũng đề nghị Tổ chức PATH Việt Nam hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý của vaccine (giấy phép sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, giấy phép lưu hành tại Việt Nam), phối hợp với đơn vị thực hiện có đủ điều kiện và năng lực về mặt chuyên môn xây dựng hồ sơ thử nghiệm lâm sàng vaccine theo đúng quy định hiện hành (bao gồm về mặt nội dung khoa học và đạo đức trong nghiên cứu) làm cơ sở thông qua Hội đồng khoa học kỹ thuật và Hội đồng đạo đức, Bộ Y tế trước khi triển khai chính thức. Tuy nhiên, chậm nhất cuối năm 2006 này, việc triển khai thử nghiệm tiêm vaccine HPV sẽ được tiến hành tại Việt Nam.

* Theo thống kê mới được công bố của Tổ chức Y tế thế giới (khảo sát đến năm 2002), Việt Nam có 6.224 ca mắc ung thư cổ tử cung (suất độ 20,3/100.000 phụ nữ) thuộc loại rất cao trên thế giới; trong đó 3.334 người chết, chiếm vị trí cao nhất trong các loại ung thư. Xếp thứ hai là ung thư vú: 5.268 người mắc; chết 2.284 người.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Thử nghiệm phải bảo đảm tuyệt đối an toàn

Quan điểm của Bộ Y tế Việt Nam là việc thử nghiệm phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, hiệu quả. Nếu thử nghiệm thành công và đối tác chứng minh được vaccine được sản xuất đủ tiêu chuẩn thì Bộ Y tế sẽ mở cửa để các doanh nghiệp nhập khẩu vaccine này. Tất nhiên, việc nhập khẩu vaccine phải đáp ứng quy định như thường lệ là vaccine ít nhất đã được sử dụng ở 3 nước và cho kết quả tốt.

GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM: Ngừa ung thư - không chỉ có vaccine

Dù các chuyên gia nước ngoài đã sản xuất được vaccine phòng ngừa được ung thư cổ tử cung, nhưng có sử dụng được cho người Việt Nam hay không là còn phải có nhiều thời gian nghiên cứu, tổ chức triển khai. Các nhà chuyên môn phải xác định cụ thể chủng virus gây bệnh trên người Việt Nam có giống với người nước ngoài không, lứa tuổi dậy thì và độ tuổi quan hệ tình dục sớm ở trẻ em Việt Nam cũng khác. Chưa kể tỷ lệ ung thư cổ tử cung tại nhiều khu vực Bắc-Trung-Nam cũng không giống nhau, do đó không nên sử dụng vaccine đại trà, gây tốn kém. Hiện nay, chỉ với chi phí xét nghiệm xác định đã bị lây nhiễm vi khuẩn HPV (Human Papilloma Virus) trước khi tiêm vaccine đã lên đến 10 USD/lần, chưa kể giá vaccine còn cao hơn rất nhiều, vượt xa khả năng so với thu nhập của người dân Việt Nam.

Các chuyên gia về ung thư cho rằng, trước khi có vaccine này, y học đã có nhiều cách để ngừa bệnh ung thư cổ tử cung, trong đó có việc quan hệ tình dục lành mạnh ở tuổi trưởng thành, vệ sinh sạch sẽ. Thứ nữa, nếu phát hiện sớm bệnh, khả năng chữa khỏi ung thư cổ tử cung lên đến 80%-90%. Hiện nay, BV Ung bướu TPHCM và nhiều trung tâm y tế quận huyện đã có khả năng xét nghiệm và nhận biết được những dấu hiệu của tiền ung thư cổ tử cung. Sau khi phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, việc điều trị trở nên đơn giản và rất hiệu quả. “Vì vậy, kể cả khi vaccine đã về đến Việt Nam, mọi người không nên quá nôn nóng, chích ngừa tràn lan, rất tốn kém khi chưa thật cần thiết đối với những nhóm người không có nguy cơ lây nhiễm cao” - BS Chấn Hùng nói.

Theo Phan Thảo/báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.