Sơ cứu khi bị bỏng

29/03/2010 09:44 GMT+7

(TNTT>) Để kịp thời xử lý vết bỏng, chúng ta cần xác định độ bỏng. Tùy theo mỗi độ bỏng sẽ có những cách thức xử lý khác nhau như dưới đây:

Bỏng độ 1 (vd: rám nắng) chỉ ảnh hưởng đến lớp da ngoài cùng. Da đỏ lên và khô, từ 1-2 ngày sẽ đỡ và lành trong vòng 1 tuần.

Bỏng độ 2 là khi da bị tổn thương sâu hơn nhưng chưa đến phần chân bì. Da bị bỏng sẽ gây đau, đỏ lên và tạo bóng nước.

Bỏng độ 3 gây hủy hoại toàn bộ bề dày của da và bộ phận cơ thể dưới da. Vùng da bỏng có màu trắng hoặc cháy xém.

Ngoài ra, bề mặt da bị bỏng càng rộng càng nguy hiểm cho tính mạng vì mất nhiều nước và đau nhiều (trên 15% là nặng).

Đối với bỏng độ 1 và 2: Dùng nước lạnh hoặc quần áo nhúng nước lạnh đắp lên khu vực bỏng trong vòng 15 phút hoặc cho đến khi cơn đau giảm nhẹ. Không được dùng đá chườm lên vết bỏng vì có thể gây tổn thương do lạnh giá. Đặt gạc vô trùng lên vết bỏng và băng lại hơi lỏng. Không thoa thuốc mỡ lên vết bỏng. Có thể thoa nha đam lên vùng da đã kín miệng 3-4 lần/ngày. Không tự ý gỡ chỗ phồng. Nếu có thể hãy kê cao phần bị bỏng.

Đối với vết bỏng rộng hoặc bỏng độ 3: Di chuyển người bị bỏng khỏi nguồn gây bỏng. Tháo bỏ quần áo nóng hoặc đã cháy xém khỏi cơ thể nạn nhân nếu dễ dàng và quần áo không dính vào da thịt. Dùng vải sạch quấn lỏng xung quanh phần bị bỏng. Ấn trực tiếp vào nơi bị chảy máu nhưng không chà xát. Nếu tác nhân gây bỏng là dung dịch kiềm hoặc hóa chất khô, hãy gạt bỏ phần hóa chất khỏi cơ thể nạn nhân trước và dùng nước rửa chỗ bỏng trong ít nhất 20 phút hoặc cho đến khi nhân viên cấp cứu đến.

Thụy Miên
(Theo Viện Phòng bệnh Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.