Khi nào cần tầm soát ung thư tuyến giáp ?

06/09/2020 16:58 GMT+7

Ung thư tuyến giáp gặp ở cả nam và nữ giới. Bệnh không có dấu hiệu rõ ràng, âm thầm di căn đến nhiều bộ phận khác.

Bệnh viện K (Bộ Y tế) đã có các khuyến cáo về tầm soát, phát hiện sớm, tăng cơ hội điều trị khỏi cho người mắc ung thư (UT) tuyến giáp.

Tế bào biến đổi bất thường

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở giữa cổ, gồm 2 thùy nối với nhau qua eo giáp trạng, có chức năng tiết ra hormone giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển.
UT tuyến giáp xảy ra khi những tế bào bình thường ở tuyến giáp biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể.
Hệ miễn dịch bị rối loạn là nguyên nhân đầu tiên gây nên căn bệnh nguy hiểm này. Với những người khỏe mạnh, hệ miễn dịch có tác dụng sản xuất ra các kháng thể có tác dụng giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các vi rút, vi khuẩn gây hại từ môi trường sống xung quanh. Khi hệ miễn dịch bị rối loạn, chức năng đó sẽ bị suy giảm, tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn, vi rút có hại tấn công vào cơ thể, bao gồm cả tuyến giáp.
UT tuyến giáp có nhiều loại khác nhau hay gặp là UT tuyến giáp nhú, thể tủy, thể không biệt hóa, trong đó thể tủy và thể không biệt hóa có tiên lượng xấu hơn. Tuy nhiên, UT tuyến giáp đặc biệt là thể biệt hóa có tiên lượng rất tốt.
"Ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến nhất tại VN với hơn 5.400 ca mắc mới/năm. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị thành công nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tiên lượng với người mắc ung thư tuyến giáp tốt hơn so với những loại ung thư khác” 
PGS - TS Ngô Thanh Tùng, Trưởng khoa Xạ đầu cổ, Phụ trách khoa y học hạt nhân Bệnh viện K

Trẻ nhỏ nhạy cảm với yếu tố nguy cơ

Cơ thể có thể bị nhiễm phóng xạ từ bên ngoài khi dùng tia phóng xạ để điều trị bệnh hoặc bị nhiễm vào bên trong cơ thể qua đường tiêu hóa và đường hô hấp do i-ốt phóng xạ.
Trẻ em rất nhạy cảm với các tia phóng xạ, do đó các bậc phụ huynh nên hạn chế việc cho trẻ tiếp xúc với các nguồn tia phóng xạ để bảo đảm sức khỏe cho trẻ và hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Các nghiên cứu co thấy, khoảng 70% bệnh nhân UT tuyến giáp có người thân trong gia đình (bố, mẹ, anh chị em,...) đã từng mắc bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa thể tìm ra gen nào dẫn tới sự di truyền này.

Nữ mắc bệnh cao hơn nam giới

Bệnh nhân mắc UT tuyến giáp chủ yếu trong độ tuổi từ 30-50. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 - 4 lần so với nam giới. Sự chênh lệch này là do yếu tố hormone đặc thù ở phụ nữ và quá trình mang thai đã kích thích quá trình hình thành bướu giáp và hạch tuyến giáp. Hoặc trong giai đoạn sau sinh, nhiều phụ nữ bị viêm tuyến giáp, điều này cũng là do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể gây suy giáp tạm thời ở phụ nữ sau thời kỳ thai nghén.
Những bệnh nhân bị bướu giáp, bệnh basedow có nguy cơ mắc UT tuyến giáp cao hơn những người khác. Người đã từng mắc bệnh viêm tuyến giáp, đã điều trị khỏi vẫn có nguy cơ tái phát bệnh.
Ngoài ra, yếu tố khác cũng có nguy cơ gây UT tuyến giáp như: thiếu i-ốt, uống rượu thường xuyên trong thời gian dài, thói quen hút thuốc lá, thừa cân béo phì.
Hình ảnh tuyến giáp . Ảnh tư liệu BV K

Hình ảnh tuyến giáp

Ảnh tư liệu BV K

Những triệu chứng liên quan ung thư tuyến giáp

Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không gây ra triệu chứng. Có thể chỉ phát hiện ra bệnh khi đi khám định kỳ.
Khi UT tuyến giáp có triệu chứng, người mắc sờ thấy một khối ở tuyến giáp. Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng khác của ung thư tuyến giáp bao gồm: khàn tiếng; nuốt vướng khi u chèn ép vào thực quản; khó thở (khi u xâm lấn vào khí quản).
Ở giai đoạn muộn hơn, có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương...
Những triệu chứng trên có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác, tuy nhiên khi có những triệu chứng này, nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa ung bướu hoặc nội tiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.