Trong hai ngày 19 - 20.3, tại TP.HCM và Hà Nội, chuỗi hội thảo khoa học chủ đề Liệu pháp miễn dịch - Bước tiến mới trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) giai đoạn 3 không thể phẫu thuật đã được phối hợp tổ chức bởi Viện nghiên cứu phòng chống ung thư - Bệnh viện K, Bệnh viện ung bướu TP.HCM và Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam. Chuỗi sự kiện kết hợp hội nghị trực tuyến đã quy tụ hơn 350 chuyên viên y tế trên cả nước nhằm cập nhật kiến thức khoa học và trao đổi về giải pháp tiên tiến nhất trong điều trị UTPKTBN giai đoạn 3 hiện nay.
|
|
Ung thư phổi là căn bệnh phổ biến thứ 2 trên thế giới và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong tất cả các bệnh ung thư (1). Có đến 85% các trường hợp ung thư phổi được chẩn đoán thuộc UTPKTBN (2) Hầu hết bệnh nhân trong nhóm này được phát hiện muộn - giai đoạn 4 (di căn) với tiên lượng sống rất kém. Trước thực trạng này, việc phát hiện và điều trị bệnh sớm là điều vô cùng cần thiết để nâng cao tiên lượng sống cho bệnh nhân.
Nghiên cứu lâm sàng PACIFIC với giải pháp điều trị tiếp tục bằng liệu pháp miễn dịch sau khi hoàn tất hóa xạ đồng thời cho bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn 3 không thể phẫu thuật đã gây chú ý, bởi khoa học đã không ghi nhận nhiều tiến bộ trong lĩnh vực điều trị này suốt 10 năm qua. Khi nhóm bệnh nhân nói trên sử dụng liệu pháp miễn dịch trong nghiên cứu, hiệu quả cho thấy thời gian sống được cải thiện gấp 3 lần mà bệnh không tiến triển so với không tiếp tục điều trị khi hoàn tất hóa xạ đồng thời. Điều trị củng cố bằng liệu pháp miễn dịch sau khi hóa xạ đồng thời đã chứng minh giảm 45% nguy cơ bệnh tiến triển hoặc tử vong so với khi không tiếp tục điều trị.
PGS-TS Nguyễn Tuyết Mai, nguyên Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện K nhận định: “Có đến 89% bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn 3 sẽ tiến triển đến giai đoạn 4, vì vậy việc chẩn đoán để phát hiện bệnh và điều trị ở giai đoạn 3 có ý nghĩa lớn để nâng cao tiên lượng sống. Tôi rất vui mừng khi liệu pháp miễn dịch mới đã có mặt tại Việt Nam để giúp ích cho nhiều bệnh nhân chống lại căn bệnh UTPKTBN hiệu quả hơn, ngăn bệnh tiến triển sang giai đoạn di căn và tiến xa”.
PGS-TS Cung Thị Tuyết Anh, nguyên Phó trưởng bộ môn Ung thư, Trường Đại học Y Dược TP.HCM nhận định: “Kết quả từ nghiên cứu PACIFIC đã cho thấy việc sử dụng liệu pháp miễn dịch sau khi hóa xạ trị đồng thời xứng đáng được cân nhắc là tiêu chuẩn mới trong điều trị UTPKTBN giai đoạn 3 không thể phẫu thuật, bởi bệnh nhân nhận được những lợi ích lớn hơn cả về tỷ lệ sống còn và chất lượng cuộc sống”.
|
Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam chia sẻ: “AstraZeneca tự hào đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực khoa học và sáng tạo tại Việt Nam qua việc đầu tư cho nghiên cứu lâm sàng. Chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam đã tham gia nghiên cứu PACIFIC, giúp liệu pháp miễn dịch mới với lợi ích cải thiện tỷ lệ sống còn cho bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn 3 không thể phẫu thuật, sẽ đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của bệnh nhân Việt Nam, và nâng cao năng lực cho lĩnh vực dược sinh học trong nước. Đây là minh chứng mới nhất cho cam kết của AstraZeneca để không chỉ hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19, mà còn không ngừng tìm tòi và phát triển các giải pháp mới giúp cải thiện cuộc sống cho nhiều bệnh nhân hơn trên khắp cả nước”.
Với đặc điểm bệnh cảnh đa dạng, các hướng dẫn quốc tế và Việt Nam đều khuyến cáo Bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn 3 nên được đánh giá thông qua hội chẩn đa chuyên khoa với các chuyên khoa bao gồm Ngoại khoa, xạ trị, nội khoa ung thư, hô hấp, chẩn đoán hình ảnh để tối ưu hóa điều trị cho bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn 3. Và trong khuôn khổ của hội nghị, các chuyên gia và bác sĩ cũng đã đồng thuận về việc những bệnh nhân khi được chẩn đoán xác định UTPKTBN giai đoạn 3 không thể phẫu thuật nên được chuyển đến các bệnh viện có thiết bị xạ trị để thực hiện phác đồ hóa xạ trị đồng thời và sau đó có thể tiếp tục với liệu pháp miễn dịch bổ trợ trong vòng 12 tháng sau khi hoàn tất hóa xạ đồng thời mà bệnh không tiến triển như trong khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam.
Nguồn thông tin:
Bình luận (0)