Nguy cơ gia tăng ca mắc sốt xuất huyết do thiếu hụt nguồn lực chống dịch

02/10/2020 16:40 GMT+7

Ngân sách cho y tế dự phòng, theo nghị quyết của Quốc hội phải chiếm 30% tổng chi phí cho y tế, nhưng thực tế nhiều địa phương chưa bố trí đủ hoặc cấp muộn.

Nguy cơ gia tăng ca mắc, tử vong do SXH nếu lơ là chống dịch

Nguy cơ gia tăng ca mắc, tử vong do SXH nếu lơ là chống dịch

Ảnh: Thế Anh

Kinh phí cho phòng chống dịch hạn chế, thiếu trang thiết bị

Theo đánh giá của Bộ Y tế, y tế, tại một số địa phương, khi xảy ra dịch mới cấp kinh phí dẫn đến khó khăn cho hoạt động chống dịch chủ động, đặc biệt là sốt xuất huyết (SXH). Đây là bệnh dịch lưu hành với số mắc và tử vong cao. Bệnh dịch có thể xuất hiện quanh năm ở nhiều địa phương và khó dự báo được chính xác tính chu kỳ dịch.
Trong tháng 8 - 9 vừa qua, 8 đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra giám sát về công tác phòng, chống dịch SXH tại 18 tỉnh, thành phố trọng điểm là: Hà Nội, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Phước, Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum. Đa số các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tương đối tốt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong phòng chống dịch, trong đó, đáng lưu ý, kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh còn hạn chế; các phương tiện xử lý dịch như: máy phun hóa chất, hóa chất, vật tư của tỉnh và huyện còn thiếu so với nhu cầu thực tế; sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể và ý thức của người dân tại một số khu vực chưa cao trong việc chủ động phòng chống dịch.
Các chuyên gia chống dịch lưu ý, trong 9 tháng đầu năm nay, trong nước ghi nhận 65.046 ca mắc, 7 tử vong (số mắc giảm 65,6%, tử vong giảm giảm 82% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, hiện đang vào mùa mưa, là thời điểm dịch SXH bắt đầu gia tăng, và đạt đến đỉnh vào khoảng tháng 10 - 11 tới. Nếu chủ quan, dịch sẽ bùng phát, nguy cơ thêm ca tử vong.

Khó kiểm soát nguồn truyền bệnh

Theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng, tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành nhiều vùng dân cư tập trung tạo nên các vùng sinh cảnh, sinh thái thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh cũng như bệnh SXH phát triển.
Gia tăng các ca mắc SXH trong các tuần gần đây, dự báo đỉnh dịch trong tháng 10 -11 tới

Gia tăng các ca mắc SXH trong các tuần gần đây, dự báo đỉnh dịch trong tháng 10 -11 tới

Đồ họa: Cục Y tế dự phòng

Sự giao lưu đi lại giữa các vùng miền trên cả nước cùng với sự di biến động dân cư ngày càng mạnh mẽ, các công trình xây dựng ngày càng nhiều... bên cạnh đó một bộ phận không nhỏ người dân lơ là, chủ quan không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh nên làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.
Qua thực tế giám sát, đoàn công tác đã đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ đạo của Bộ Y tế, trong đó chú trọng: tổ chức 3 chiến dịch diệt bọ gậy quy mô lớn từ nay đến hết năm, phun hóa chất chủ động tại các điểm nguy cơ cao như chợ, bến xe, trường học, bệnh viện... đẩy mạnh công tác truyền thông.
Thường xuyên huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân,...) vận động người dân tham gia phòng chống dịch bệnh, hưởng ứng chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh SXH” tại gia đình.
Tổ chức xử lý triệt để 100% ổ dịch được phát hiện. Tiếp tục tổ chức tập huấn, đào tạo, cho cán bộ y tế cơ sở, cộng tác viên về xử lý triệt để các ổ dịch khi còn nhỏ tại cộng đồng.
Tăng cường công tác giám sát véc tơ, đặc biệt là giám sát chỉ số trước và sau phun để đánh giá hiệu quả của hoạt động phun hóa chất diệt muỗi và tổ chức phun chủ động tại các điểm nguy cơ cao.
Thực hiện nghiêm túc thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54 của Bộ Y tế, đảm bảo không bỏ sót ca bệnh, nhằm phát hiện 100% các ổ dịch để xử lý kịp thời.
Hoạt động của mạng lưới cộng tác viên phòng chống SXH bị gián đoạn do kinh phí bị cắt giảm. Tại một số địa phương chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị và chính trị xã hội chưa thực sự vào cuộc một cách chủ động, quyết liệt.
Chưa có định mức về trang thiết bị, máy móc phòng chống dịch bệnh của các địa phương nên mặc dù còn thiếu nhiều trang thiết bị nhưng chưa triển khai được mua sắm máy móc thiết bị chống dịch.
Kinh phí cho hoạt động phòng chống SXH còn rất hạn chế, chưa đảm bảo đủ nhu cầu cho phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các hoạt động chống dịch chủ động cần triển khai sớm như: phun hóa chất diện rộng tại khu vực nguy cơ cao, chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) trước những tháng cao điểm, giám sát chủ động để phát hiện và xử lý dịch triệt để ổ dịch, truyền thông nguy cơ, sẵn sàng đầy đủ hóa chất, vật tư, máy móc đáp ứng chống dịch…nên công tác chống dịch SXH gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.