Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

31/12/2018 09:58 GMT+7

Nhiều hoạt động nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế và cộng đồng về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, tuân thủ kê đơn và dùng thuốc theo đơn đã được triển khai.

Kháng thuốc kháng sinh đang trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất của thế kỷ 21 và đang có gia tăng với mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, làm ảnh hưởng đến an ninh y tế của các quốc gia cũng như toàn cầu. Vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng, đáng báo động, nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Một trong các nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh là do việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.
Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở mức báo động tại Việt Nam là do người dân chưa ý thức đầy đủ về kháng kháng sinh, vẫn còn tình trạng mua thuốc không cần đơn và sử dụng kháng sinh bừa bãi.
Với thói quen mua thuốc không cần đơn vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc, cùng với đó là hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc cũng như việc giáo dục cộng đồng về những hành vi giữ vệ sinh cá nhân phòng ngừa nhiễm khuẩn là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Từ năm 2013, Bộ Y tế Việt Nam đã xây dựng và ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc”. Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt đề án 4041/QĐ-BYT: Tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020. Bộ trưởng giao Cục Quản lý dược là đơn vị thường trực giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đề án này.

Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Cục Quản lý dược cùng các cơ quan liên quan, các sở y tế triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trọng tâm là kháng sinh qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý.
Cùng với đó sẽ rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, thực hiện các giải pháp tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Đến năm 2020, kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 70 % đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác; đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc…
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Một điều tra do Bộ Y tế công bố cho thấy có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ này lên đến 91%.
Đại diện Cục Quản lý dược cho biết, Bộ Y tế kêu gọi sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, theo đó, người dân nói “không” với kháng sinh khi bị nhiễm vi rút; chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ, dùng đúng đường dùng, đúng liều, đúng thời gian, không bỏ dở giữa chứng việc điều trị kháng sinh khi thấy khỏe hơn; không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn của người khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.