Sự thật về 'sức bền' của túi nâng ngực

Liên Châu
Liên Châu
30/07/2019 04:27 GMT+7

Nguy cơ bị bao xơ túi nâng ngực hoặc sự cố nổ vỡ là mối bận tâm của nhiều người khi phẫu thuật nâng ngực.

Túi nâng ngực có dễ dàng bị vỡ ?

GS Trần Thiết Sơn, chuyên gia hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, cho biết gần đây thông tin về nổ túi ngực khi đi máy bay trở thành mối quan tâm của phái đẹp và cả nam giới sau phẫu thuật hoặc đang có ý định nâng cấp vòng 1. Liên quan đến nguy cơ nổ vỡ túi ngực, GS Sơn thông tin: Qua nghiên cứu, thử nghiệm cho thấy túi này chỉ có thể bị nổ vỡ khi chịu một lực tác động lên đến 400 kg.
Về thông tin một nữ hành khách đi máy bay bị nổ túi ngực mới đây, GS Sơn chia sẻ, trong trường hợp đi máy bay nếu áp suất đủ để gây nổ túi ngực thì áp suất đó cũng có thể khiến các hành khách bình thường vỡ lồng ngực. Ngoài ra, áp suất không khí trong khoang máy bay đã được duy trì ở mức an toàn tương tự mặt đất nên không có chuyện nổ túi ngực.
“Túi ngực có thể thủng khi bị vật nhọn đâm chứ không có chuyện bị nổ do áp suất lớn trên máy bay như thông tin được lan truyền vừa qua”, GS Sơn khẳng định.

Bao xơ sau phẫu thuật đặt túi ngực

Trước phẫu thuật đặt túi ngực, bác sĩ cần trao đổi kỹ về lựa chọn túi ngực phù hợp vóc dáng, lứa tuổi. Đặc biệt, yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng cho sự hài lòng, thành công sau phẫu thuật nâng ngực. 3 tuần sau đặt túi, ngực sẽ hoàn toàn bình thường.

GS Trần Thiết Sơn

GS Sơn lưu ý, để túi ngực đẹp, không bị rách hay sự cố (bao xơ) sau phẫu thuật nâng ngực thì kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật là rất quan trọng.
Theo đó, túi ngực khi đặt phải được dàn đều trong khoang ngực, do đó người mổ cần tạo được khoang đủ vừa cho túi ngực. “Nếu kỹ thuật đặt không tốt sẽ tạo nếp gấp vỏ túi và các nếp gấp đó chính là nguy cơ gây rách túi ngực”, GS Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, bác sĩ cũng lưu ý nguy cơ bị bao xơ sau đặt túi ngực tăng lên với trường hợp sử dụng dao điện trong quá trình phẫu thuật đặt. Trong phẫu thuật chấn thương, dao điện đem đến sự an toàn do tác dụng cầm máu tốt, nhưng trong phẫu thuật thẩm mỹ thì không nên. Bởi dao điện khi cắt sẽ gây bỏng tạo nên vết thương. Sau phẫu thuật, vết bỏng của đường mổ sẽ lành lại nhưng đồng thời cũng tạo sẹo tại nơi tiếp xúc với túi ngực nên có thể gây bao xơ túi ngực.
GS Sơn nhìn nhận, trong phẫu thuật thẩm mỹ đặt túi ngực có các trường phái khác nhau. Nhưng từ nhiều năm trước, các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ của Pháp đã lưu ý: Không dùng dao điện trong phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra, dao điện cũng không nên dùng trong phẫu thuật căng da mặt và trong phẫu thuật tạo hình thành bụng vì dễ có nguy cơ gây sẹo đầy không khắc phục được.

“Tuổi thọ” của túi ngực sau phẫu thuật

Với kinh nghiệm gần 30 năm trong phẫu thuật đặt túi ngực, GS Sơn cho biết độ bền của túi ngực từ 15 - 20 năm. Sau thời gian đó nên đi kiểm tra bằng cách chụp MRI để biết phản ứng của cơ thể với túi ngực, cũng như có hay không tình trạng xơ sẹo vùng quanh túi ngực. “Nếu túi ngực vẫn ổn định, không bị co lại hoặc giãn ra thì không cần lấy ra. Nếu túi ngực có nếp nhăn thì nên tháo ra đặt lại vì nếp nhăn đó chính là nguy cơ gây vỡ túi”, GS Sơn lưu ý. Chuyên gia cho biết thêm, kỹ thuật đặt túi tốt thì tuổi thọ của túi ngực có thể lên đến 30 năm.
Bác sĩ Trần Sinh Lục (Đại học Y Hà Nội) cho biết vật liệu nâng ngực trải qua rất nhiều nghiên cứu và thực nghiệm. Với tính chất độ kết dính cao, khả năng định hình tốt, độ nhớt thấp, silicone gel đang là chất liệu hiện đại được ứng dụng.
Bác sĩ Lục cho hay, với túi ngực, mặt vật lý mà đặc biệt là cơ học luôn được các nhà nghiên cứu và các đối tượng khách hàng quan tâm hàng đầu. Các nhà sản xuất phải lấy mẫu túi ngực ngẫu nhiên trong lô sản xuất để thử nghiệm bằng cách sử dụng ô tô trọng lượng 2.200 kg chèn qua; sử dụng búa gõ nhiều lần vào từng vị trí; sử dụng máy kéo thử độ co giãn túi lên đến 300% chiều dài túi; sử dụng túi đưa vào môi trường có nhiệt độ -43,2 độ C. Ngoài ra, túi ngực được thử nghiệm về mặt hóa học (không phản ứng với các chất hóa học như acid hay base); về mặt sinh học (không gây phản ứng dị ứng hay thải ghép khi được cấy vào cơ thể người).
“Tất cả thí nghiệm trên mục đích là để làm vỡ hoặc biến dạng túi ngực silicone gel, và cho kết quả túi ngực vẫn trở lại hình dạng ban đầu”, bác sĩ Lục cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW (TP.HCM), trường hợp người phụ nữ đi máy bay chảy máu ở ngực khiến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp, có thể là người này bị chảy máu sau phẫu thuật, chứ không phải túi ngực bị vỡ. Nữ hành khách này đã đặt túi nâng ngực cách đây khoảng 1 năm; gần đây vùng ngực chảy xệ, nên quay lại TP.HCM để làm phẫu thuật treo cắt tuyến (nhằm cải thiện tình trạng). Sau phẫu thuật thì bị chảy máu. Một bác sĩ ở TP.HCM cho biết bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ treo cắt tuyến cần lưu ý có thể chảy máu sau mổ, do đó cần phải theo dõi chặt chẽ.  
 Thanh Tùng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.