Suyễn dạng khó thở dễ nhầm với bệnh khác

31/03/2009 10:32 GMT+7

Bác sĩ L.H.H., 35 tuổi, đến chúng tôi khám vì khoảng 7-8 tháng trở lại đây cứ vào phòng kín có đông người hoặc phòng lạnh là ngộp, khó thở, tức ngực... Vô thang máy hoặc đi xe khách, tàu lửa càng chật, càng đông người thì cơn khó thở xuất hiện càng nhanh, càng nặng.

Ông nói ông có cảm giác thiếu oxy não nặng giống như cá bị quăng lên bờ, nếu không mở cửa xe, không dừng xe xuống là chết. Có lần đang đi trên xe lửa từ TP.HCM về Nha Trang ngộp thở đến ngất, phải xuống giữa đường dù ông không có những triệu chứng của suyễn điển hình: ban đêm không lên cơn, không ho, không khò khè...

Đây là một dạng suyễn rất khó nhận diện. Trong y văn chỉ nói suyễn dạng ho chứ không nói suyễn dạng khó thở. Có thể do bệnh xuất hiện ở người châu Á. Chúng tôi đã phát hiện và điều trị khoảng 80 ca. Có trường hợp như bà T.T.M., 42 tuổi, mang theo gần 1kg hồ sơ khám chữa bệnh sau ba năm đi chữa khắp nơi, có bác sĩ chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật, có bác sĩ nói bà bị rối loạn thần kinh tim... nhưng chữa hoài không khỏi.

Đứng thứ hai!

Phân tích các dạng suyễn cho thấy suyễn điển hình chiếm 84,2%, suyễn dạng khó thở 7,8%, suyễn dạng ho đơn thuần 6,9%, suyễn nặng ngực 0,7% và suyễn chỉ theo mùa 0,4%.

Khi đến chúng tôi, đo hô hấp ký cho thấy chỉ số lưu lượng đỉnh chỉ còn 9% (người bình thường khoảng trên 80%) rất điển hình cho suyễn. Bà được điều trị với thuốc giãn phế quản và hết khó thở. Nhưng trước đó chồng bà đã ly dị vì cho rằng bà bị... tâm thần, quanh năm cứ nói mình khó thở đi bác sĩ hoài mà không khỏi!
 
Suyễn điển hình có các triệu chứng: ho, khò khè, khó thở - nhận diện rất dễ. Còn suyễn khó thở thì triệu chứng chỉ khó thở đơn thuần, thường xuất hiện ở tuổi trung niên. Những dạng kích cơn là lạnh hoặc nơi đông người. Do vậy, khi lên cơn khó thở thì lưu ý các tác nhân này. Khó thở có nhiều nguyên nhân, có thể do hô hấp, tim mạch, thần kinh, có thể là nội tiết... nhưng thường gặp nhất vẫn là do hô hấp và tim mạch. Cách đơn giản nhất là cho bệnh nhân làm một hô hấp ký có thử thuốc giãn phế quản để phát hiện suyễn ở tất cả các dạng.

Với người bệnh, nếu thấy khó thở kéo dài mà không tìm ra nguyên nhân nên đến khám tại các bệnh viện có làm hô hấp ký. Hiện nay tại TP.HCM có bốn bệnh viện làm hô hấp ký là: Chợ Rẫy, Đại học Y dược, Phạm Ngọc Thạch và Nhân dân Gia Định. Tất cả bệnh nhân này nếu biết được các yếu tố kích phát cơn hen thì nên tránh, đồng thời phải dùng thuốc và tuân thủ việc sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Trước đây người bệnh chỉ đợi lên cơn hen mới đi cấp cứu. Còn quản lý hiện tại giúp bệnh nhân tránh lên cơn, tránh phải cấp cứu nhập viện và trả lại cho họ đời sống bình thường trong cộng đồng.

Ở phía Nam đã có ít nhất 15 tỉnh mở đơn vị quản lý bệnh nhân suyễn. Tại TP.HCM có hai đơn vị là BV Đại học Y dược và BV Nhân dân Gia Định.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.