Suýt mất mạng vì đắp thuốc thầy lang

20/07/2012 23:30 GMT+7

(TNO) Chỉ trong ngày 19.7 có đến hai bệnh nhân vào Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu do nhiễm trùng nặng sau khi điều trị trĩ bằng cách đắp thuốc lá của thầy lang.

>> Xem xét lập hội đồng chuyên môn để làm rõ cái chết tại phòng khám Maria
>> Bộ Y tế vào cuộc làm rõ vụ bệnh nhân chết tại Phòng khám Maria
>> Cấm xuất cảnh 4 bác sĩ Trung Quốc ở phòng khám Maria
>> Bệnh nhân chết chưa rõ nguyên nhân tại phòng khám Maria
>> Phòng khám đa khoa Maria bị phạt 11,5 triệu đồng
>> Vụ chết người tại phòng khám Maria: Truy tìm các bác sĩ liên quan
>> Thông tin mới nhất về vụ bệnh nhân chết tại Phòng khám Maria
>> Đình chỉ hoạt động phòng khám đa khoa Maria

bệnh trĩ
Sau phẫu thuật cấp cứu do bội nhiễm vì đắp thuốc lang băm “tiêu” búi trí, bệnh nhân vẫn cần được điều trị cực - Ảnh: Thúy Anh

Bệnh nhân (BN) Vũ Ngọc Q. (46 tuổi) được người nhà đưa từ Quỳnh Lưu (Nghệ An) lên bệnh viện trong tình trạng sốt cao.

Qua thăm khám cho thấy, toàn bộ da vùng hậu môn bị hoại tử đã chuyển màu thâm tím.

“Chỉ mới đưa dụng cụ vào khám, vùng da này đã bong rời, mủn ra vì hoại tử hoàn toàn”, bác sĩ tại Khoa khám bệnh tổng hợp, BV Việt Đức cho biết.

Trước khi nhập viện, anh Q. đã đến một bà lang ở Nam Đàn (Nghệ An) khám bệnh và được hướng dẫn đắp “thuốc” được “bào chế” từ một số loại lá. Khoảng 10 ngày đắp “thuốc” theo hướng dẫn, anh Q. bị sốt cao, đau đớn vùng hậu môn và không thể đi ngoài được.

“Khi đến viện BN đã trong tình trạng hậu môn hoại tử hoàn toàn, tím đen. Thương tổn gây viêm rộng đến vùng bìu, tầng sinh môn. Chúng tôi đã phải tiến hành hồi sức toàn thân, mổ cấp cứu cho bệnh nhân”, TS-BS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật Đại trực tràng, Trưởng khoa Khám bệnh tổng hợp (BV Việt Đức) cho biết.

Bác sĩ phẫu thuật đã phải tiến hành cắt bỏ hết phần thương tổn. BN sau phẫu thuật tiếp tục được điều trị tích cực vì thể trạng suy giảm do bội nhiễm.

Cùng ngày, nhập viện trong tình cảnh tương tự với anh Q. là ông Lê Huy Kh. 59 tuổi, từ Thanh Chương (Nghệ An) ra cấp cứu.

Ông Kh. bị bội nhiễm lan rộng hết vùng hậu môn, bìu, tầng sinh môn. Trước khi nhập viện, BN này cũng điều trị trĩ bằng cách đắp lá trong 3 tuần lễ.

Khi khám tại BV Việt Đức, BN đã vị viêm tấy lan tỏa hoại tử rộng tầng sinh môn, quanh hậu môn, sinh dục, thậm chí còn nặng hơn bệnh nhân Q. vì bội nhiễm đã có ảnh hưởng toàn thân, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, nguy hiểm đến tính mạng. 80% BN trong tình trạng này có thể tử vong.

Theo bác sĩ Xuân Hùng, các trường hợp trên rất nguy hiểm đến tính mạng vì vi khuẩn có thể xâm nhập gây viêm phổi, trùng huyết.

Với hai BN Q. và Kh. là hai ca đã có tai biến nên sau khi đã qua giai đoạn nguy hiểm tính mạng, vẫn phải có thời gian dài (5 - 6 tháng) để bình phục và ổn định.

Theo TS-BS Nguyễn Xuân Hùng, khoảng 50% dân số bị trĩ ở các mức độ khác nhau. Việc điều trị cũng có nhiều phương pháp khác nhau: thuốc, sóng cao tần, phẫu thuật... Nhiều phòng khám tư không đủ điều kiện điều trị cũng quảng bá quá mức. BN có thể khỏi với bệnh nhẹ nhưng với các ca bệnh đã ở mức độ nặng nếu điều trị không phù hợp rất dễ gây tai biến.

BV Việt Đức đã tiếp nhận rất nhiều các trường hợp bị biến chứng do chữa bệnh trĩ tại một số phòng khám tư hoặc chữa bằng các phương pháp y học cổ truyền, trong đó có những bệnh nhân biến chứng rất nặng, tính mạng bị đe dọa.

Các ca trĩ tai biến có thể phải chịu các di chứng lâu dài như sẹo xơ gây chít hẹp hậu môn, thậm chí phải làm hậu môn nhân tạo.

Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.