Anh B.L.H. (ngụ Bình Dương) cho biết, con của anh (bé B.L.M.K., 8 tuổi) ra đời với những đốm đỏ ở má trái. Sau đó, các đốm đỏ lan rộng dần lên mi mắt dưới.
Ban đầu, vợ chồng anh chỉ cho rằng đó là các bớt ở trẻ sơ sinh, rồi từ từ sẽ hết. Nhưng thấy đốm đỏ ngày càng lan rộng qua thời gian, vợ chồng anh mới đưa con đi khám. Điều trị tại một số cơ sở y tế gần nhà nhưng các vết đỏ không biến mất.
“Sợ con lớn lên mặc cảm với bạn bè, vợ chồng tôi đã đưa con đến Trung tâm U máu của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khám. Lúc này, mới biết bé bị bướu máu (u máu). Cháu phải được điều trị bằng phương pháp bắn tia laser”, anh H. kể.
Đến nay, các vết đỏ đã mờ dần và bé vẫn tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi bệnh.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Văn Minh, Trưởng Trung tâm U máu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: U máu, bớt bẩm sinh,… là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, chiếm khoảng 10%. U máu gồm hai loại là tăng sinh mạch máu và dị dạng mạch máu.
Trong đó, bệnh tăng sinh mạch máu tiến triển nhanh trong những tháng đầu đời của trẻ nhỏ, đến khi trẻ được 10 tuổi thì sẽ tự lành và có thể để lại di chứng, sẹo.
Đối với bệnh dị dạng mạch máu sẽ tồn tại suốt đời nếu không được điều trị, gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của đứa trẻ.
“Nếu bệnh xuất hiện ở những vị trí nguy hiểm như mắt, mũi, miệng sẽ làm cho người bệnh khó thở, ăn uống kém. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể gây ra động kinh, ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục,…”, bác sĩ Minh cảnh báo.
Cách đây nhiều năm, u máu được xem là dạng bệnh lý khó điều trị. Nếu không được phát hiện sớm, bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.
Với sự ra đời của trung tâm u máu đầu tiên tại Mỹ, nghiên cứu phương pháp điều trị bằng tia laser và các yếu tố thuận lợi gây bệnh, đến nay, việc điều trị bệnh dị dạng mạch máu ở trẻ em đã được cải thiện và có thể phòng ngừa từ trong bào thai.
Riêng tại Trung tâm U máu (của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM), mỗi năm có gần 8.000 trường hợp đã được khám và điều trị. Theo bác sĩ Minh, số lượng bệnh nhân này tương đương với số lượng khám, điều trị u máu tại một bang của nước Mỹ.
Nhiều phụ huynh khi thấy con có đốm đỏ trên da thường chủ quan, không nghĩ đến bệnh. Do vậy, bác sĩ Minh khuyến cáo nếu phát hiện trẻ nhỏ xuất hiện các vết bớt trên cơ thể trong thời gian dài, cha mẹ cần đưa con em đến các cơ sở y tế chuyên môn để có chẩn đoán và phương pháp điều trị tốt nhất.
Ngày 13.1, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 10 của Trung tâm U máu. Trung tâm U máu được thành lập với các hoạt động chính bao gồm khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo cho các học viên trong và ngoài nước, hợp tác quốc tế.
Đây là trung tâm u máu thứ tám trên thế giới, được đánh giá là trung tâm u máu mạnh nhất ngoài nước Mỹ, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ các bệnh viện lớn, trường đại học nổi tiếng của Mỹ, Thuỵ Sỹ, Hàn Quốc,…
Bình luận (0)